Các cuộc thi nhan sắc Việt: Bao giờ vượt thoát “ao làng”?

Thứ năm, ngày 30/06/2016 06:24 AM (GMT+7)
Sau “phong trào” tổ chức các cuộc thi nhan sắc mang tên hoa hậu, việc siết chặt hơn về mặt số lượng cuộc thi hoa hậu mỗi năm tưởng chừng sẽ góp phần đưa danh xưng hoa hậu xứng đáng như kỳ vọng mà ban tổ chức thường đặt ra trước thềm mỗi mùa thi.
Bình luận 0

Hoa hậu cũng được mong chờ tỏa sáng hơn và có điều kiện tỏa sáng hơn khi vàng thau không còn lẫn lộn quá nhiều. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thật sự có một “sân chơi” nhan sắc nào tạo được sự bứt phá ngoạn mục và vượt thoát khỏi những bức tranh lờ mờ chung, đặc biệt là “ghi điểm” sang xứ người.

img

Sau gần 30 năm, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mới “giật mình” về việc tiếp thị cuộc thi rộng hơn ra bên ngoài.

Với gần 30 năm với 15 lần tổ chức, đến nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có lẽ là cuộc thi nhan sắc  có lịch sử dài lâu nhất vẫn đang được duy trì. So với cuộc thi Hoa hậu Biển còn khá non trẻ nhưng là một trong hai cuộc thi cấp quốc gia được cấp phép tổ chức trong năm 2016 và cũng vừa kết thúc thì Hoa hậu Việt Nam 2016 có nhiều lợi thế vượt trội. Nói theo cách ví von của bà Phạm Kim Dung, Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng, Phó trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016 thì chiều kích của cuộc thi cho thấy Hoa hậu Việt Nam như là Hoa hậu quốc dân.

Cũng có lẽ vì nhờ sự hậu thuẫn của Trung ương Đoàn nên so với một cuộc thi nhan sắc khác, cũng mang tính “quốc dân” là Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam thì các đợt tổ chức thi hoa hậu Việt Nam, ít khi BTC phải than phiền về nguồn thí sinh “cạn kiệt”. Trong khi đó, với Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, chỉ nội việc tìm kiếm thí sinh cho cuộc thi, kể cả chấp nhận lặn lội về các bản làng xa xôi để tìm, thuyết phục thí sinh dự thi đã có thể kể như truyện dài nhiều tập…

Nhiều thuận lợi và có bề dày như thế nhưng đến tận mùa thi năm 2016, BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vẫn có vẻ tiếc nuối khi chia sẻ rằng thương hiệu của cuộc thi lâu nay chưa được phát huy đúng tiềm năng vốn có. Bằng chứng là khi làm việc với đối tác bên Hàn Quốc để mời nam ca sĩ Bi Rain qua biểu diễn trong đêm chung kết, phía bạn đã tỏ ra rất hào hứng.

Theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi thì Bi Rain là gương mặt trẻ nổi tiếng không chỉ trong phạm vi châu Á mà còn cả thế giới. Thông thường, việc mời Bi Rain biểu diễn sẽ rất khó và mức thù lao ngất ngưởng. Nhưng sau khi trao đổi thông tin về cuộc thi, phía bạn đã có thiện chí hợp tác hơn. Ngoài việc đồng ý một mức chi phí không cao, thậm chí là mềm hơn so với mặt bằng chung, dự kiến, Bi Rain sẽ còn biểu diễn chung với các thí sinh Vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016.

Thực tế, với hầu hết các cuộc thi nhan sắc Việt, việc quảng bá thương hiệu ngoài quốc gia một cách liên tục và bền vững gần như chưa được đầu tư như cần thiết. Ngay với “Hoa khôi Áo dài”, một trong những sân chơi của nhan sắc tưởng chừng sẽ bật vượt hẳn lên vị trí dẫn đầu trong mặt bằng chung của các cuộc thi nhan sắc Việt cũng dần mất sức hấp dẫn hơn. Sau vài mùa thi, cùng với những tập phát sóng có nội dung dàn trải, thiếu kịch tính, cho khán giả cảm giác đang được xem thí sinh và ê kip tham gia diễn nhiều hơn là chứng kiến những nỗ lực họ tự hoàn thiện mình…, cuộc thi không còn thu hút như mùa đầu tiên.

Với hàng loạt các cuộc thi như Hoa hậu Biển, Nữ hoàng Trang sức…, những cuộc thi mà tần suất xảy ra sự cố, đặc biệt là tố mua bán giải thưởng là chuyện không hiếm thì câu chuyện thương hiệu bền vững cho những sân chơi này càng không dễ.

Có thể có cả ngàn lý do để viện dẫn cho việc thiếu những “thương hiệu” xứng tầm cho các sân chơi nhan sắc Việt. Đã có không ít ý kiến  đổ lỗi cho việc có quá nhiều cuộc thi nhan sắc dẫn đến sự “cạn kiệt” nguồn thí sinh và BTC phải “vơ bèo vạt tép”. Nhiều người lại cho rằng các thí sinh và cả người đẹp đoạt danh hiệu luôn khuyết mặt này hay mặt khác để có thể tự tin cạnh tranh ra đấu trường quốc tế. Trong đó, cái thiếu lớn nhất luôn là kiến thức và ngoại ngữ. Muốn  nhan sắc Việt có chỗ đứng trên đấu trường quốc tế, không gì hơn là những lò đào tạo chuyên nghiệp, thậm chí phát triển luôn thành ngành công nghiệp sắc đẹp…

Quan điểm phát triển ngành công nghiệp sắc đẹp Việt cũng không hẳn là cực đoan khi đằng sau các cuộc thi nhan sắc, sau việc tôn vinh nhan sắc luôn là bài toán kinh tế, thậm chí doanh thu mới là yếu tố quyết định sự ra đời, tồn tại của cuộc thi. Nhưng, dù với mục đích gì thì để làm nên “thương hiệu” cho nhan sắc Việt vẫn phải là tìm được những người đẹp hội tụ đủ cả vẻ đẹp hình thể, tâm hồn để soi chiếu vào đó, công chúng nhận ra ngay đây là người đẹp xứng đáng làm hoa hậu, là hoa khôi của quốc gia, của cộng đồng.

N.Nguyễn (Công An Nhân Dân)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem