Xe tăng quân Trung Quốc bị tiêu diệt tại Cao Bằng tháng 2/1979 (đồ họa Việt Anh).
Nhấp chén trà nóng, nhìn ra phía cầu Bằng Giang, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), cựu chiến binh tháng 2/1979 Hồ Tuấn (ông nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn bộ binh 567, lúc đó thuộc Tỉnh đội Cao Bằng. Đơn vị đã từng chiến đấu anh dũng chặn bước tiến của quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 ở đèo Khau Chỉa, Phục Hòa, Cao Bằng) kể: Trong năm 2019, tôi đã có 3 cuộc gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với các cựu binh Trung Quốc – những người phía bên kia chiến tuyến năm 1979, khi họ đi du lịch sang thăm Cao Bằng. Các cuộc gặp gỡ này bắt nguồn từ mong muốn của những cựu binh Trung Quốc, có sự kết nối của ông Cường (bạn ông Hồ Tuấn – ông Cường từng làm công tác phiên dịch tiếng Trung trong quân đội, hiện đang là hướng dẫn viên du lịch đưa khách từ Cao Bằng sang Trung Quốc và ngược lại).
“Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên có tôi và 10 cựu binh Trung Quốc. Hai lần gặp gỡ sau, mỗi lần tốp của họ trên 20 người, tiếp họ có tôi và cựu chiến binh Trần Anh Đức (tại trận đánh ở đèo Khau Chỉa tháng 2/1979, ông Đức là Trung đội trưởng Trung đội 1-Tiểu đoàn 3-Trung đoàn 567)”. Tất cả 3 lần gặp gỡ trên đều ở quán cà phê tại TP. Cao Bằng. Khi gặp tôi và ông Đức, các cựu binh Trung Quốc tỏ ra hồ hởi, thi nhau bắt tay, chụp ảnh cùng”, ông Hồ Tuấn kể.
Theo ông Trần Anh Đức, khi trò chuyện có ông Cường làm phiên dịch, bên đoàn cựu binh Trung Quốc có nữ phiên dịch trẻ giỏi tiếng Việt. “Hai người thay nhau dịch, qua trò chuyện chúng tôi biết nhóm cựu binh Trung Quốc này vào tháng 2/1979 thuộc sư đoàn 121, Quân đoàn 50, họ tiến đánh ta từ hướng Hà Quảng (phía Bắc tỉnh Cao Bằng) xuống”, ông Đức cho hay.
Ông Hồ Tuấn (áo kẻ đứng ngoài cùng bên trái) và ông Trần Anh Đức (áo trắng đứng giữa) chụp ảnh kỷ niệm với các cựu binh Trung Quốc khi hai bên gặp gỡ nhau (ảnh NVCC).
Trong câu chuyện, cựu chiến binh Trần Anh Đức có nhắc câu chuyện tháng 2/1979 khi quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam, hành động sai trái đó đã bị thế giới lên án. Các cựu binh Trung Quốc cũng thừa nhận việc họ sang đánh Việt Nam năm 1979 là không đúng.
“Tôi nói tiếp: Cuộc sống nay đã thay đổi nên chúng tôi gác lại câu chuyện chiến tranh ngày trước để bắt tay nhau giữ gìn hòa bình chung, cùng hợp tác làm ăn, giữ gìn biên giới chung của hai nước, họ nghe và gật đầu nói hảo hảo (tốt)”, ông Đức kể.
Ông Trần Anh Đức (ngồi thứ hai ở hàng giữa tính từ trái qua phải) và ông Hồ Tuấn (ngồi thứ tư hàng giữa tính từ trái qua phải) chụp ảnh kỷ niệm với các cựu binh Trung Quốc (ảnh NVCC).
Ông Hồ Tuấn cho biết thêm, hai bên nói chuyện thăm nhau về tên tuổi, thời gian nhập ngũ và phục vụ trong quân đội, cuộc sống hiện tại thế nào. “Trong tốp cựu binh Trung Quốc này có người vào năm 1979 là cán bộ cấp đại đội, có người là lính. Khi nói chuyện họ rất phục tinh thần và cách chiến đấu bộ đội Việt Nam, họ nói đánh thua là vì không trải qua chiến tranh bao giờ”, ông Hồ Tuấn cho hay.
Dù ngày trước từng là hai bên chiến tuyến nhưng thông qua tốp cựu binh có mặt trong buổi gặp gỡ ông Đức và ông Hồ Tuấn vẫn dành những lời thăm hỏi về tình hình, cuộc sống của những người thuộc lực lượng tháng 2/1979 đã sang đánh Việt Nam. “Cuộc trò chuyện kéo dài gần một buổi, khi chia tay thông qua phiên dịch những cựu binh Trung Quốc có lời mời tôi và ông Đức sang chơi thăm quê hương họ. Chúng tôi vui vẻ bắt tay họ và nói cảm ơn”, ông Hồ Tuấn cho biết.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân có sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh đã tấn công xâm lược lãnh thổ Việt Nam từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400 km.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh -Tham mưu trưởng Quân khu 2, sau hơn 10 ngày thực hiện ý đồ "đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu" theo kế hoạch ban đầu, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế quân số đông, vũ khí trang bị nhiều và hiện đại đã tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên một số hướng, có chỗ sâu tới 50km (Lào Cai); chúng đã san phẳng 3 thị xã là Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Trải qua 10 ngày chiến đấu, các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý định "đánh nhanh, chiếm nhanh" của quân Trung Quốc.
Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc; cùng ngày Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký lệnh Tổng động viên cả nước.
Ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành kế hoạch và ra lệnh rút quân về nước.
Ngày 7/3/1979, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân về nước mà không truy kích.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.