Các ngân hàng kỳ vọng được nới room tín dụng, để “mạnh tay” giảm lãi suất cho vay

Quốc Hải Thứ năm, ngày 22/07/2021 06:30 AM (GMT+7)
Hàng loạt ngân hàng như : Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, HDBank, Sacombank, TPBank, MBBank,… đã giảm lãi suất cho vay ít nhất 1%/năm kể từ 15/7 đến cuối năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sau khi các nhà băng này được nới thêm room tín dụng.
Bình luận 0

Trên thực tế, trong đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa qua của NHNN, hầu hết mức tăng trưởng mới tại các ngân hàng đều thấp hơn hạn mức năm 2020. 

Kỳ vọng tiếp tục được nới room tín dụng để các ngân hàng “mạnh tay” giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Hàng loạt ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN, người dân sau khi được nới room tín dụng (Ảnh: HDBank)

Điển hình như tại VIB, nhà băng này mới được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 8,5% lên 14,1% năm nay. Tuy nhiên, nếu so với hạn mức tín dụng mà nhà băng này được cấp năm 2020 (với mức từ 10,5% lên 30%), thì hạn mức được cấp năm nay thấp hơn rất nhiều.

Tương tự tại MBBank, vừa qua nhà băng này cũng được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10,5% lên 15% cho cả năm nay, tương đương có thêm 4,5 điểm % tăng trưởng. Trong khi đó, năm 2020, nhà băng này được nâng hạn mức tín dụng từ 11,8% lên 20%.

Một loạt nhà băng khác được nới room tín dụng đợt này cũng ghi nhận hạn mức nửa cuối năm thấp hơn so với giai đoạn đầu năm như VPBank được nâng room từ 8,5% lên 12,1%; Sacombank từ 6,5% lên 10,5%; Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%;Techcombank nới room tín dụng từ 12% lên 17%, TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%... Riêng nhóm Big 4, có ngân hàng duy nhất là Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%.

Như vậy, với hạn mức tín dụng được cấp mới, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 vào khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với năm 2020 là 12,13%.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn này. Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ dịch Covid-19. 

Bởi, theo tính toán, với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng, nếu các ngân hàng chỉ cần giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch…

Kỳ vọng tiếp tục được nới room tín dụng để các ngân hàng “mạnh tay” giảm lãi suất cho vay - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research

Tại báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ trái phiếu do Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố, đơn vị này đưa ra kỳ vọng, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ có thêm một đợt nới hạn mức tín dụng cho các nhà băng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay.

"Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa. Hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay ", chuyên gia SSI Research, kỳ vọng.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ chính sách áp trần hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để họ tự quyết định theo nhu cầu cung – cầu trên thị trường. Việc cấp hạn mức tín dụng là một công cụ mang tính hành chính.

"Nên bỏ trần tín dụng để các ngân hàng tự quyết định kế hoạch kinh doanh của mình", ông Hiếu nói,và lý giải, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như thanh khoản của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể dùng các công cụ như: tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi (LDR)…, chứ không phải chỉ có room tín dụng.

Ngoài ra, để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ, NHNN có thể dùng công cụ khác như chỉ số dư nợ tín dụng/vốn huy động (LTD ), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, hệ số an toàn vốn...

"Trong thời điểm dịch Covid-19 thay vì "siết" tín dụng thì cần phải "mở" để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp phục hồi tăng trưởng nền kinh tế", chuyên gia này kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem