Các nhà khoa học tiết lộ sự thật về quái vật hồ Loch Ness
Các nhà khoa học tiết lộ sự thật về quái vật hồ Loch Ness
Chủ nhật, ngày 22/08/2021 15:31 PM (GMT+7)
Bí ẩn về quái vật hồ Loch Ness đã khiến các nhà nghiên cứu hoang mang trong nhiều thế kỷ. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy bằng chứng mà một số người cho rằng có thể liên quan đến sinh vật huyền thoại này.
Quái vật hồ Loch Ness, hay còn gọi là 'Nessie', được cho là sinh sống tại hồ Loch Ness ở Cao nguyên Scotland. Được mô tả là một sinh vật giống bò sát cổ dài, to lớn, sinh vật này thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới kể từ những năm 1930, sau khi những bức ảnh đầu tiên về nó bắt đầu xuất hiện. Mặc dù vậy, báo cáo sớm nhất về một con quái vật trong chiếc hồ dài 36,3km có từ năm 565 sau Công nguyên.
Trong cuốn sách 'Life of St Columba' của Adomnán, nhà sư người Ireland tuyên bố đã chạm trán với một "quái vật dưới nước", nó đã giết chết một người đàn ông sau khi vồ và kéo anh ta xuống. Columba đã cử Luigne moccu Min, một trong những tín đồ của ông, đi tìm sinh vật huyền thoại. Khi tìm thấy con thú, Luigne làm dấu thánh giá và nói: "Không được đến gần, hãy thả anh ta ra! Hãy quay lại ngay lập tức!" Sinh vật kia liền dừng lại và quay đi.
Sự quan tâm đối với Nessie đã tăng lên vào năm 1933, sau khi một nhân chứng nói rằng đã nhìn thấy nó, thông tin đăng tải trên báo Inverness Courier. Báo cáo đã mô tả vùng nước của hồ Loch Ness "chảy theo nhiều tầng và xáo trộn" cùng sự hiện diện của một sinh vật giống cá voi.
Tuy nhiên, có lẽ bức ảnh Nessie nổi tiếng nhất được chụp vào năm sau, năm 1934. Daily Mail đã xuất bản một hình ảnh trên trang nhất, được gọi là 'Ảnh của bác sĩ phẫu thuật', về một sinh vật cổ dài trồi lên từ mặt nước. Khoảng 60 năm sau, bức ảnh được xác nhận là một trò lừa bịp, và "con quái vật" thực chất là một chiếc tàu ngầm đồ chơi được mua từ Woolworths, với phần đầu được làm từ bột trét gỗ. Mặc dù vậy, hàng nghìn khách du lịch đã đổ xô đến hồ Loch Ness để có thể nhìn thấy Nessie.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đưa ra những gì họ tin là một "lý thuyết hợp lý" về nguồn gốc thật sự của quái vật hồ Loch Ness. Bằng cách trích xuất DNA từ các mẫu nước, Giáo sư Neil Gemmell và nhóm của ông ở Đại học Otago không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Nessie có thể là một loài bò sát biển thời tiền sử. Họ đã tìm thấy hơn 3.000 loài động vật ở hồ Loch Ness, một số loài nhỏ đến mức mắt người không thể xác định được chúng.
Ông cho biết vào năm 2019: "Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về một sinh vật tương tự trong dữ liệu trình tự DNA-môi trường của chúng tôi. Vì vậy, xin lỗi, tôi không nghĩ rằng ý tưởng plesiosaur (thằn lằn đầu rắn) là khả thi."
Ông tiếp tục: "Có một lượng rất lớn DNA của cá chình. Ở hồ Loch Ness, cá chình rất phong phú, DNA của cá chình được tìm thấy ở hầu hết các địa điểm được lấy mẫu". Ngoài ra, ông cũng lưu ý thêm: "Chúng có thể lớn đến khoảng bốn mét, như một số người đã thấy, tôi nghĩ rằng đó là do đột biến và biến đổi tự nhiên, đó cũng là một điều bình thường."
Giáo sư Gemmell thừa nhận 20% DNA trong số những mẫu này là "không xác định", nhưng ông nhấn mạnh "có lẽ không có một loài bò sát có vảy khổng lồ nào bơi quanh hồ Loch Ness."
Mặc dù vậy, những phát hiện của Giáo sư Gemmell không thể khiến những thợ săn Nessie từ bỏ hy vọng, khi mới đây một tàu thăm dò sonar phát hiện ra một sinh vật bí ẩn ở độ sâu tối tăm nhất của hồ Loch Ness. Ronald Mackenzine, người điều hành Cruise Loch Ness, đã chụp được những hình ảnh đáng kinh ngạc ở đáy hồ mà các nhà sản xuất sonar mô tả là "dài đến 15-20ft".
Ông Mackenzie khẳng định: "Không đời nào nó là một con cá chình!"
Về phát hiện của ông Mackenzie, chuyên gia về Nessie, Steve Feltham, nói với Daily Record: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần hơn đến việc tìm ra câu trả lời."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.