Các nhà khoa học về Ninh Thuận tìm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng

Đức Cường Thứ bảy, ngày 26/08/2023 16:12 PM (GMT+7)
Ngày 26/8 tại tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng".
Bình luận 0

Dự tọa đàm có ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cùng 100 đại biểu là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nông nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của thiên tai

Tìm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Tọa đàm có hơn 100 đại biểu từ Trung ương đến địa phương về dự. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Nguyễn Huỳnh Quang – Phó Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), những năm gần đây thiên tai ở nước ta xảy ra liên tiếp và mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử ở nhiều vùng trên cả nước.

Trong đó, khu vực Nam Trung bộ nói chung thường xuyên xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nghiêm trọng nhất là hạn hán kéo dài từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2016 làm 15.000 ha đất nông nghiệp dừng sản xuất, gây thiệt hại 10.776 ha lúa, 43.482 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng.

Trong số các tỉnh Nam Trung bộ, Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất cả nước với số giờ nắng hơn 2.700 giờ/năm, lượng mưa trung bình chỉ 700 - 800 mm/năm. Tình trạng nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra hầu hết các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, trong năm 2015- 2016, Ninh Thuận đã xảy ra hạn hán rất khốc liệt, gây thiệt hại khoảng gần 330 tỷ đồng. Đến năm 2020, diện tích thiệt hại do hạn hán gây ra giảm còn 188ha.

Với những ảnh hưởng do thiên tai gây ra, việc đưa ra định hướng và giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết và cấp bách.

Giải pháp thích ứng với biển đổi khí hậu ở Ninh Thuận

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hạn hán và thiếu nước ở Ninh Thuận.

Theo ông Trương Khắc Trí – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gắn với việc liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân.

Tìm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Ông Trương Khắc Trí - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Cụ thể là tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: Mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả. 

Ngành nông nghiệp đã tăng cường vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng VietGAP đối với các loại cây trồng đặc thù như: nho, táo, măng tây xanh…

Tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên tuyên truyền và triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp ứng phó với thiên tại nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về chủ động ứng phó với thiên tại.

Cũng theo ông Trương Khắc Trí, hiện tỉnh Ninh Thuận cũng đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn.

"Hiện toàn tỉnh đã hình thành 10 vùng liên kết sản xuất hướng đến xuất khẩu; giá trị sản xuất đạt 137 triệu đồng/ha đất canh tác, tỷ lệ diện tích tưới chủ động toàn tỉnh đã nâng lên  62,38%...", ông Trí cho hay.

Tìm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Cường

Nông dân cần đầu tư hệ thống thủy lợi và kiến thức nông nghiệp

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Phòng - Giám đốc HTX nho Thái An (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, theo kinh nghiệm của ông thì một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán là cần đầu tư mở các hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống thủy lợi để người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chủ động bảo vệ cây trồng trong mùa nắng hạn.

Tìm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Khắc Phòng - Giám đốc HTX nho Thái An phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đức Cường.

Cũng tại buổi hội thảo, bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Châu Rế cho biết, trang trại của bà chuyên trồng măng tây xanh ở xã An Hải, huyện Ninh Phước nên nông dân rất cần các kiến thức về khoa học áp dụng cho cây trồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo bà Xéo, ngoài đầu tư mở rộng hệ thống kênh mương để đối phó hạn hán, ngành nông nghiệp cần mở thêm những khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt là nông dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất đối với các mô hình tưới nước tiết kiệm nhằm ứng phó hạn hán.

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tọa đàm đã cung cấp những thông tin hữu ích để các cơ quan quản lý, các đơn vị chuyên môn, chính quyền và người dân địa phương tham khảo, ứng dụng và triển khai trong thực tiễn sản xuất. Đồng thời, đây cũng là cơ hội gặp gỡ giữa giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận nói riêng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem