Các nhà lãnh đạo cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực 'chưa từng có'

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 26/03/2022 12:00 PM (GMT+7)
Trong cuộc họp hôm 24/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày kế hoạch của mình nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và kêu gọi Nga phải "có trách nhiệm".
Bình luận 0
Các nhà lãnh đạo cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực 'chưa từng có' - Ảnh 1.

Chiến sự ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực thế giới. Ảnh: Getty

Các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi một phiên họp bất thường của Hội đồng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhằm ngăn chặn xung đột Ukraine biến thành một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo một thông cáo được thông qua hôm 24/3 tại hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào quốc gia láng giềng "đặt an ninh lương thực toàn cầu dưới áp lực lớn". Do đó, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý sử dụng "tất cả các công cụ, cơ chế cũng như thể chế quốc tế liên quan" để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, bao gồm hỗ trợ cho "các nỗ lực tiếp tục sản xuất của Ukraine".

Thông cáo viết: "Chúng tôi kêu gọi một phiên họp bất thường của FAO nhằm giải quyết những hậu quả đối với an ninh lương thực và nông nghiệp thế giới do chiến dịch của Nga tại Ukraine".

Các nước nhất trí tránh các lệnh cấm xuất khẩu cùng các biện pháp hạn chế thương mại khác, đồng thời duy trì một thị trường mở và minh bạch, phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày "sáng kiến về an ninh lương thực" của riêng mình. Ông Macron cho rằng thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực "chưa từng có tiền lệ", đồng thời nói thêm rằng đó là "hệ quả trực tiếp từ những lựa chọn của Nga". Theo ý kiến của ông Marcon, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn "trong 12-18 tháng".

Phát biểu tại cuộc họp báo Tổng thống Pháp Marcon kêu gọi Moscow có "trách nhiệm" và cho phép Ukraine tiếp tục các hoạt động nông nghiệp.

Ông nhấn mạnh, nếu không làm vậy, "nạn đói" sẽ "chắc chắn không thể tránh khỏi" ở nhiều quốc gia, những nước vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nông nghiệp từ Nga và Ukraine. Trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất, ông Macron đề cập đến Ai Cập, cũng như một số quốc gia khác ở châu Phi và Trung Đông.

"Sáng kiến về an ninh lương thực" của ông Macron cũng nhắc đến kế hoạch giải phóng khẩn cấp kho dự trữ trong trường hợp khủng hoảng, cam kết đa phương không áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu nguyên liệu nông nghiệp, tạm thời tăng ngưỡng sản xuất, hỗ trợ sản xuất lương thực bền vững tại các nước dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra một cơ chế cho phép cung cấp cho các nước này những sản phẩm nông nghiệp "với số lượng và giá cả hợp lý".

Hôm 24/3, vấn đề an ninh lương thực cũng đã được thảo luận bởi một số nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Macron nhấn mạnh rằng Ukraine và Nga "là những kho lương thực dồi dào cho nguồn cung cấp thực phẩm quốc tế". 

Tổng thống Pháp dự định giới thiệu phiếu thực phẩm để giúp các hộ gia đình không có điều kiện và tầng lớp trung lưu đối mặt với những chi phí bổ sung. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về chương trình hỗ trợ thực phẩm vẫn chưa được tiết lộ.

Nga và Ukraine là hai trong số những nhà cung cấp nông sản lớn nhất thế giới. Theo Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hai nước này nắm đến 53% thương mại toàn cầu về dầu và hạt hướng dương, cũng như 27% về lúa mì.

UNCTAD trước đó nói rằng tất cả các quốc gia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do xung đột gây ra. Tổ chức cảnh báo việc tăng giá lương thực và nhiên liệu "sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, gây áp lực lên các hộ gia đình nghèo, dẫn đến khó khăn và đói kém".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem