Phương Đăng (tổng hợp)
Chủ nhật, ngày 14/06/2020 15:18 PM (GMT+7)
Giảm lượng rác thải là mục tiêu được ngày càng nhiều chính phủ theo đuổi, trong đó việc định giá rác thải bằng khối lượng hoặc thể tích (túi rác/thùng rác) đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng để xử lý chất thải hiệu quả đồng thời khuyến khích người dân bớt xả rác cũng như như có thói quen phân loại rác trước khi mang đi đổ.
Dự thảo luật Bảo vệ môi trường trình Quốc hội lần này dự kiến quy định, Việt Nam sẽ thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chứ không tính theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như lâu nay. Kinh phí thu gom và xử lý rác sinh hoạt, sẽ được thu thông qua việc bán bao bì chứa chất thải khiến người dân khá băn khoăn.
Thực tế, một số nơi trên thế giới cũng áp dụng cách thu phí đổ rác theo khối lượng hoặc thể tích (của túi rác, thùng rác) theo đó, xả càng nhiều rác càng phải đóng nhiều tiền nhằm mục đích giảm lượng rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường môi trường của người dân.
Ở Mỹ, người dân phải "Trả tiền cho những gì bạn bỏ/ném đi". Chính sách này được áp dụng tương tự như một loại thuế chất thải đối với mỗi hộ gia đình - các hộ gia đình càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền hơn cho việc thu gom và xử lý chất thải.
Chính sách "Trả tiền cho những gì bạn bỏ/ném đi" được quản lý ở cấp thành phố. Mục đích đằng sau của chính sách này là để ngăn chặn sự phát sinh chất thải và khuyến khích tái chế. Bằng cách tính phí cho công dân trên mỗi đơn vị rác họ thải ra, các quan chức Mỹ hi vọng mỗi người dân sẽ có ý thức hơn và cân nhắc khối lượng chất thải họ tạo ra.
Tính đến năm 2006, chính sách "Trả tiền cho những gì bạn ném/bỏ đi" đã được thực hiện tại hơn 7.000 khu vực ở Mỹ. Kể từ khi được áp dụng, chính sách này được cho là đã giúp giảm 17% khối lượng rác thải ra môi trường.
Trong khi đó, ở Hà Lan, Oostzaan là đô thị đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình thu phí rác thải theo đơn vị (túi rác/thùng rác) - càng xả nhiều rác càng phải trả nhiều tiền. Khi áp dụng mô hình này, nhiều lo ngại rằng người dân có thể sẽ đốt rác hoặc đổ rác bên lề đường vì không muốn phải trả nhiều tiền cho việc thải rác. Tuy nhiên, điều này may mắn đã không xảy ra ở Hà Lan. Sau khi Oostzaan thí điểm thành công mô hình tính phí đổ rác theo đơn vị, tỷ lệ các thành phố Hà Lan sử dụng mô hình trên đã tăng từ 15% năm 1998 lên 36% vào năm 2010.
Điều đặc biệt là, Hàn Quốc đã khởi xướng chương trình thu phí đổ rác theo đơn vị (UBP) từ năm 1995. Cụ thể, phí thu gom rác thải sẽ được tính thông qua thể tích của túi đựng rác.
Theo đó, chính phủ ban hành danh mục các loại chất thải sinh hoạt cần phân loại tại nguồn; quy cách các loại túi chuyên dụng để đựng chất thải sinh hoạt khi thải bỏ; chế độ bán và sử dụng túi đựng rác theo từng loại hình chất thải sinh hoạt với kích cỡ khác nhau, cũng như quy định về việc chỉ tiến hành thu gom chất thải sinh hoạt được phân loại đúng cách và đựng trong túi đúng quy cách.
Riêng túi đựng rác được thiết kế với kích cỡ, chất liệu và màu sắc khác nhau tùy theo từng loại hình, giá bán từng loại túi được chính quyền địa phương quy định, tùy theo thực tế của từng vùng...
Tương tự, ở Nhật, từ năm 2003, đã có 30% các thành phố áp dụng tính phí đổ rác theo khối lượng/thể tích (của túi rác hoặc thùng rác). Rác thải được phân loại nghiêm ngặt thành các loại: rác tài nguyên tái chế, rác thải lớn (bàn ghế, giường tủ), rác không cháy (ni lông, nhựa), rác thải sinh hoạt hữu cơ (vụn thức ăn, rau cỏ...).
Rác được phân loại ngay từ trong nhà, ngày đổ rác và địa điểm đổ rác được quy định rõ. Ví dụ rác sinh hoạt đổ vào ngày thứ 2, 4, rác thải rắn, lớn đổ tháng 1 lần, rác không cháy đổ vào thứ 3-5.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.