Các 'ông lớn' chăn nuôi đang làm ăn thế nào: "Điểm danh" Hòa Phát, Dabaco, HAGL...

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 23/09/2024 10:23 AM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn đã công bố tình hình kinh doanh sơ bộ các tháng trong quý III với sự phân hoá rõ nét. Có đơn vị ghi nhận kết quả tích cực, có đơn vị lại rơi vào cảnh thua lỗ khiến doanh nghiệp phải cắt giảm thù lao của lãnh đạo đồng thời tìm thêm nguồn thu từ lĩnh vực khác...
Bình luận 0

Hòa Phát, Dabaco, Masan MEATLife đều tăng trưởng tốt

Gần 9 tháng đầu năm nay, phần lớn doanh nghiệp chăn nuôi lợn đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhờ giá thịt lợn tăng cao và ổn định thời gian dài.

Đơn cử, Công ty CP Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát 6 tháng đầu năm đã bán ra thị trường gần 190.000 con lợn thịt, 80.000 con lợn giống thương phẩm và hơn 1.000 con lợn giống hậu bị. Sản lượng bán hàng các dòng lợn đều tăng trưởng tốt. Nhờ đó, doanh thu từ mảng chăn nuôi của Hòa Phát tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cho biết, doanh thu tháng 8 của tập đoàn vượt mốc 2.024 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng 7. Doanh thu tháng 7 và tháng 8 tăng 12% so với hai tháng liền kề trước đó và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lợn là nhân tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco nhận định: Lượng lợn tồn kho dồi dào của Dabaco thời điểm này được kỳ vọng có thể trở thành một trong những đòn bẩy giúp Tập đoàn cải thiện kết quả kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Điểm sáng nữa trong lĩnh vực chăn nuôi là Masan MEATLife (Mã: MML). Trong tháng 6 Masan MEATLife ghi nhận lợi nhuận hoạt động (EBIT) dương quý thứ hai liên tiếp. Cụ thể: Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Masan MEATLife ghi nhận lợi nhuận hoạt động (EBIT) tăng 105 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp MML đạt EBIT dương. Đóng góp tích cực vào kết quả này là doanh thu từ mảng thịt chế biến tăng lên nhờ những thuận lợi như thịt gà, thịt lợn tăng giá và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm.

MML tiếp tục góp phần chuyển đổi và phát triển ngành thịt chế biến của Việt Nam bằng các sản phẩm chất lượng cao với hai nhãn hàng là Ponnie và Heo Cao Bồi. Theo Masan MEATLife, hai thương hiệu này đã đạt được xấp xỉ 50% thị phần trong thị trường sản phẩm xúc xích tiệt trùng.

Các 'ông lớn' chăn nuôi đang làm ăn thế nào: "Điểm danh" Hòa Phát, Dabaco, HAGL...- Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn đã công bố tình hình kinh doanh sơ bộ các tháng trong quý III với sự phân hoá rõ nét. Ảnh: Dabaco

Trái ngược với Chăn nuôi Hòa Phát, Dabaco, Masan MEATLife, CTCP Nông Súc Sản Đồng Nai (Dolico – Mã: NSS) ước tính trong 9 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ lợn thịt của công ty chỉ đạt 1.840 tấn, doanh thu khoảng 95 tỷ đồng, lỗ trước thuế 1,7 tỷ đồng.

Năm nay, Dolico đặt mục tiêu lãi trước thuế 5,8 tỷ đồng. Với kết quả ước tính trên, công ty chăn nuôi này còn cách kế hoạch rất xa. Để gia tăng nguồn thu trong thời gian tới, Dolico cho biết sẽ phải triển khai việc cho thuê nhà kho, nhà cửa và mặt bằng các cửa hàng tại văn phòng chính ở thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) và nhiều địa điểm khác của công ty. Ngoài ra, công ty cũng phải thực hiện giảm 20% thù lao HĐQT và 10% thù lao của Ban Kiểm soát kể từ tháng 10/2024.

Những tháng cuối năm 2024, NSS cho hay mỗi tháng sẽ cố gắng triển khai mua nhập 1.000 con lợn giống 3 máu nuôi thịt để tăng thu nhập và doanh thu. Đồng thời, mỗi tháng mua nhập 100 con lợn hậu bị làm nái sinh sản. Số tiền mỗi đợt nhập lợn giống từ 2-3 tỷ đồng để phục vụ sản xuất cho các trại Suối Cao và Xuân Thành.

Trước đó, Dolico dự ước kế hoạch sản xuất kinh doanh quý III/2024 với sản lượng tiêu thụ lợn thịt 135 tấn, tổng doanh thu hơn 8 tỷ đồng và lãi sau thuế 500 triệu đồng. 

Dự tính là như thế song doanh nghiệp này cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh ngành chăn nuôi của công ty đang gặp nhiều khó khăn, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc trong chăn nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, làm giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, các loại vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất tăng theo, chi phí thuốc thú y để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc cũng tăng cao hơn trước.

Lận đận không kém vẫn là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG). Trong quý II vừa qua, mảng chăn nuôi lợn chỉ mang về doanh thu 320 tỷ đồng cho HAG, giảm 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp được cải thiện, đạt 86 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mảng chăn nuôi lợn của HAGL ghi nhận doanh thu 612 tỷ đồng, hoàn thành 39% kế hoạch năm và lãi gộp 92 tỷ đồng. HAGL không thuyết minh chi tiết về chi phí bán hàng, chi phí quản lý và các chi phí khác liên quan nên chưa thể xác định được lãi/lỗ ròng.

Năm nay HAG đặt mục tiêu doanh thu 7.750 tỷ đồng, tăng 20,2% so với thực hiện 2023. Trong đó, doanh thu từ lợn ăn chuối là 1.550 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động chăn nuôi hiện tại chưa đóng góp lớn vào doanh thu chính của HAG, song ngân hàng LPBank đã ký hợp đồng cấp khoản tín dụng 5.000 tỷ đồng cho HAG, trong đó 3.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân ngay giai đoạn đầu để hỗ trợ HAG đẩy mạnh đầu tư trồng mới và chăn nuôi lợn. HAG đã đầu tư tăng đàn trở lại, cơ sở vật chất, chuồng trại đã sẵn có, dự kiến 4-5 tháng sau sẽ có sản phẩm. Điều này có nghĩa là đến quý IV/2024 và năm 2025, HAG có thể thu về lợi nhuận.

Cơ hội cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi cuối năm

Công ty cổ phần chứng khoán VPS mới đây đã dự báo, giá thịt lợn hơi dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong dài hạn do thiếu hụt nguồn cung, thiên tai bão lũ ở miền Bắc, miền Trung. Việc tái đàn phải mất ít nhất đến cuối năm 2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Chưa kể giai đoạn cận Tết Nguyên đán, giá lợn thường tăng do nhu cầu lớn. Vì vậy, khả năng cao giá thịt lợn sẽ duy trì ở mức cao khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Khi giá lợn neo cao, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm thịt lợn sẽ có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2024.

Trung tâm Phân tích thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong cũng nhận định, giá lợn có xu hướng tăng nhờ nhu cầu lớn hơn trong bối cảnh nguồn cung chưa tái đàn kịp thời sau dịch tả lợn châu Phi (ASF). Hiện tại, nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau khi bị dịch ASF và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.

Còn theo nhận định của các chuyên gia từ Maybank IBG Research, giá lợn hơi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, giá lợn hơi có thể được hỗ trợ do nguồn cung giảm bởi tổn thất của các nhà sản xuất quy mô nhỏ và bùng phát dịch bệnh.

Các 'ông lớn' chăn nuôi đang làm ăn thế nào: "Điểm danh" Hòa Phát, Dabaco, HAGL...- Ảnh 2.

Khi giá lợn neo cao, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm thịt lợn sẽ có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2024.

Về nguồn cung thịt lợn, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - cho biết, từ nay đến cuối năm - kể cả vào dịp Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng khoảng từ 10-15%, chúng ta vẫn đảm bảo tốt nguồn cung từ sản xuất thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, cần phòng chống tốt dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi an toàn sinh học.

Bộ NN-PTNT đã có khuyến cáo 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trên toàn quốc mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Còn với nông hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn phải đảm bảo nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng, đảm bảo thật chặt chẽ an toàn sinh học để nuôi giữ đàn lợn.

Bộ NN-PTNT dự báo, nguồn cung lợn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem