Các “ông lớn” đổ về Tây Nam bộ đầu tư dự án đại đô thị, vì lý do gì ?

Đông Anh Thứ tư, ngày 25/09/2024 18:00 PM (GMT+7)
Theo nhận định của Savills Việt Nam, một khi mạng lưới giao thông được đồng bộ và đi vào hoạt động, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị, cũng như tăng trưởng kinh tế.
Bình luận 0

Gần đây nhất, vào ngày 13/8/2024, đại diện Tập đoàn Vingroup đã có chuyến về tỉnh Hậu Giang làm việc với lãnh đạo tỉnh này. Theo tinh thần buổi làm việc, Vingroup sẽ đầu tư một dự án đại đô thị "Du lịch nghĩ dưỡng Mê Kông" ven sông Hậu (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Dự án chiếm vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long - miền Tây Nam bộ, với tổng diện tích hơn 5.000ha và số vốn đầu tư lên tới 6,2 tỷ USD. Bà Trần Vân Anh -Giám đốc Phát triển dự án khu vực phía Nam, Tập đoàn Vingroup - cho biết: Hạ tầng giao thông miền Tây Nam bộ còn nhiều hạn chế. Đó là lý do khiến các dự án khó triển khai ở khu vực này trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây, các nút thắt về hạ tầng giao thông và pháp lý đầu tư ở các tỉnh Tây Nam bộ đã và đang được tháo gỡ. Chính phủ đẩy nhanh triển khai hạ tầng giao thông liên kết vùng các tỉnh Tây Nam bộ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này (trong đó có Vingroup).

Các “ông lớn” đổ về Tây Nam bộ đầu tư dự án đại đô thị, vì lý do gì ? - Ảnh 1.

Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư dự án đại đô thị 5.000 ha tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: T.L

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng: "Tập đoàn Vingroup hết sức chuyên nghiệp, quan trọng là làm thực và dự án sẽ triển khai nhanh, đối với tỉnh sẽ ưu tiên số một. Tỉnh rất muốn Vingroup và Hậu Giang chung sức để triển khai dự án này". Hiện nay, UBND tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị các điều kiện theo khuyến nghị của Vingroup để dự án đại đô thị 5.000ha sớm được triển khai.

Trong khi đó, sau khi "Bắc tiến", Tập đoàn Kita Group đã trở ngược phía Nam và bắt đầu khởi động một số dự án bất động sản tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông Nguyễn Duy Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Kita Group - cho biết: "Chúng tôi đã tích lũy được quỹ đất 700ha, tại các vị trí đắc địa ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long… Hiện nay, khi hệ thống giao thông (đường cao tốc) Tây Nam bộ đang dần hình thành, cũng là lúc chúng tôi đổ vốn đầu tư các dự án đô thị ở miền Tây".

Các “ông lớn” đổ về Tây Nam bộ đầu tư dự án đại đô thị, vì lý do gì ? - Ảnh 2.

Tập đoàn Kita Group kích hoạt dự án Khu đô thị sân bay Kita Airport (150 ha) tại TP.Cần Thơ. Ảnh: V.N

Thật vậy, Kita Group đã công bố chiến lược phát triển trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành tại Việt Nam vào ngày 24/9/2024. Đồng thời, Kita cũng chính thức công bố việc đầu tư Khu đô thị sân bay Kita Airport City (150ha), tại trung tâm quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Dự án khu đô thị này phát triển theo mô hình TOD - lấy giao thông công cộng làm trung tâm, hứa hẹn sẽ tạo nên một cộng đồng dân cư hiện đại trong 10 năm tới. Trước mắt, Kita Group đã chính thức ký kết hợp tác với các ngân hàng như VietinBank, VPBank và OCB, trong dự án thành phần Stella Icon, nhằm hỗ trợ về mặt tài chính.

Tương tự, trong nửa năm đầu 2024 trở lại đây, song song với việc Chính phủ đẩy nhanh các dự án cao tốc miền Tây như: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… ; hoặc tiến độ thi công cầu Đại Ngãi 2, cầu Rạch Miễu 2,... thì rãi rác tại nhiều địa phương của miền Tây Nam bộ, một số "ông lớn" đã khởi động các dự án đô thị lớn như: CEO Group, Sun Group, Văn Phú Invest, Nam Long, T&T Group…

Các “ông lớn” đổ về Tây Nam bộ đầu tư dự án đại đô thị, vì lý do gì ? - Ảnh 3.

Thi công cầu Đại Ngãi 2, nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ hình thành đường giao thông ven biển cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ảnh: T.L

Tại một hội thảo về thị trường bất động sản, ông J.Campbell - giám đốc bộ phận bất động sản công nghiệp, thuộc Savills Việt Nam - nhận định: "Sở dĩ một làn sóng đổ về miền Tây Nam bộ lúc này, bởi mọi yếu tố thuận lợi đều đang hướng về thị trường bất động sản. Nổi bật là hạ tầng giao thông và tiếp theo là ngân hàng".

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Hiện, suất cấp vốn đã về mức 4,5%. Nhờ đó, lãi suất cho vay hiện nay dao động quanh mức 9 -11% (giảm từ mức 12-13% nửa sau năm 2022).

Việc lãi suất ở mức thấp, tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản. Qua đó, các chủ đầu tư sẽ rút ngắn thời gian triển khai dự án và nâng cao nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hợp lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người mua nhà tiếp cận được chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư cũng như ngân hàng.

Các “ông lớn” đổ về Tây Nam bộ đầu tư dự án đại đô thị, vì lý do gì ? - Ảnh 4.

Theo Savills Việt Nam, hệ thống giao thông Tây Nam bộ hoàn thiện, là động lực cơ bản thu hút các "ông lớn" bất động sản đầu tư đô thị cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hoàng Hưng

Mặt khác, việc Chính phủ hỗ trợ thị trường bất động sản, thông qua việc sớm đưa Luật Đất đai sửa đổi vào triển khai. Các quy định và chính sách mới sẽ giúp giải quyết các vấn đề pháp lý hiện tại và củng cố tâm lý thị trường.

Nhưng điều dễ thấy nhất, là sự bùng nổ của đầu tư hạ tầng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2024, bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn đang hoàn thiện; Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm cao để thực hiện với 8 dự án cao tốc, nỗ lực đến năm 2026, miền Tây Nam bộ sẽ có khoảng 554km cao tốc.

Theo nhận định của Savills Việt Nam, một khi mạng lưới này được đồng bộ và đi vào hoạt động, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị, cũng như tăng trưởng kinh tế. Chính điều này càng trở nên động lực để hàng loạt "ông lớn" đổ về miền Tây Nam bộ đầu tư các dự án đại đô thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem