Các phi vụ làm ăn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (Kỳ 2)

Thứ tư, ngày 06/06/2018 12:33 PM (GMT+7)
Ngoài làm ăn với các ngân hàng, ông Blair còn hưởng lương ở nhiều nơi khác như quỹ tài sản quốc gia Mubadala ở Abu Dhabi. Quỹ này đã đầu tư 3,6 tỷ bảng năm 2013 để khai thác bô xít ở Guinea - nơi ông Blair đã có sẵn nhân viên AGI trong văn phòng Tổng thống Guinea.
Bình luận 0

NHỮNG PHI VỤ BÉO BỞ

Trong quá trình tìm kiếm cơ hội làm ăn, ông Blair thỉnh thoảng còn đồng ý phát biểu trong một sự kiện nào đó nếu được trả tiền cao. Nhưng phần lớn ông tập trung tìm cơ hội làm ăn là tư vấn cho lãnh đạo các nước đang phát triển.

Khách hàng của cựu Thủ tướng Anh tỏ ra tin tưởng vì ông khoe có thể tiếp cận Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo thế giới khác. Nhờ ưu thế hoàn hảo đó, ông Blair đã giành được hợp đồng 20 triệu bảng với Kuwait để rà soát nền kinh tế của nước này. Các chuyên gia Kuwait đã được tuyển dụng cho dự án và được tới London để tập huấn. Họ được yêu cầu nghiên cứu sâu để xác định các vấn đề của Kuwait. Sau đó, họ được đề nghị thăm Singapore để nghiên cứu hệ thống giáo dục tuyệt vời của nước này, rồi tới Hàn Quốc để nghiên cứu hệ thống y tế.

img

Ông Tony Blair tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền.

Ông Blair cũng tham gia các vụ làm ăn khác, một vài số đó bị cáo buộc không minh bạch. Công ty Năng lượng U.I. Energy của Hàn Quốc ngỏ ý muốn ông Blair giúp giành một hợp đồng dầu mỏ. Cho dù công ty này sau đó bị vướng vào bê bối tham nhũng. Có thời gian ông Blair được Công ty dầu PetroSaudi trả 41.000 bảng/tháng cộng 2% hoa hồng cho bất kỳ hợp đồng nào với giới chức Trung Quốc mà ông làm trung gian. Thời gian làm trung gian của ông Blair cho PetroSaudi kéo dài không lâu khi công ty này bị cáo buộc hối lộ các chính trị gia Malaysia.

Một phi vụ béo bở nữa của ông Blair diễn ra năm 2011 với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev - người từng được cựu Thủ tướng Anh tiếp ở Phố Downing. Không may, ngay sau khi ông Blair bắt đầu làm việc cho ông Nazarbayev, vị Tổng thống này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Lực lượng an ninh Kazakhstan đã bắn chết 14 người biểu tình không mang vũ khí và làm bị thương 60 người. Những người đối lập còn bị tra tấn. Ông Blair đã phải giải thích về mối quan hệ với Tổng thống Kazakhstan.

img

Ông Tony Blair (phải) và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev.

Trong khi mở rộng kinh doanh cho bản thân, ông Blair cũng kiếm bộn tiền cho J.P. Morgan. Trước khi gặp đương kim Tổng thống Nigeria Buhari, năm 2010, ông đã đề nghị gặp trực tiếp ông Goodluck Jonathan, người bấy giờ là Tổng thống Nigeria. Có vẻ như ông Blair lại muốn tiếp thị dịch vụ của AGI và Faith Foundation để giúp hòa giải cộng đồng Hồi giáo và Thiên chúa giáo của Nigeria. Một lần nữa ông lại được Đại sứ quán Anh tại Nigeria cung cấp thông tin tình báo trước cuộc gặp. Dường như hòa giải tôn giáo chỉ là cái cớ cho cuộc gặp. Trong cuộc gặp, Blair đã thuyết phục ông Johnathan để cho J.P. Morgan quản lý quỹ tài sản quốc gia của Nigeria. Trước đó, chưa từng có ngân hàng trên thế giới nào được đề nghị làm công việc béo bở này.

Từ Nigeria, ông Blair bay cùng ông Dimon - Tổng Giám đốc J.P. Morgan - sang Liberia - nơi có sẵn một nhóm AGI để cố vấn cho Tổng thống nước này. Và rồi, J.P. Morgan lại kiếm được một dự án thương mại để đầu tư tại Liberia.

Đến tháng 9.2012, ông Blair được một ngân hàng nhờ giúp ông Ivan Glasenberg - Tổng Giám đốc công ty giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới Glencore - mua lại đối thủ là Xstrata. Để thương vụ mua bán thành công, ông Glasenberg cần sự hỗ trợ của Thủ tướng Qatar - người chiếm gần 12% cổ phần của Xstrata. Một mức phí cao ngất đã được ngã giá với Blair để ông giới thiệu hai nhân vật này gặp nhau, thúc đẩy thương vụ. Mặc dù có mặt tại cuộc gặp nhưng ông Blair im lặng một cách khó hiểu, khiến ông Glasenberg cảm thấy tiếc tiền khi trót hứa trả phí cao cho ông Blair.

Ngoài làm ăn với các ngân hàng, ông Blair còn hưởng lương ở nhiều nơi khác như quỹ tài sản quốc gia Mubadala ở Abu Dhabi. Quỹ này đã đầu tư 3,6 tỷ bảng năm 2013 để khai thác bô xít ở Guinea - nơi ông Blair đã có sẵn nhân viên AGI trong văn phòng Tổng thống Guinea. Khi Mubadala bắt đầu đầu tư ở Serbia, Colombia và Tây Phi, ông Blair đã hưởng hoa hồng lên tới 20% cho các hợp đồng.

Ông Blair còn xuất hiện trong ban cố vấn giám sát quá trình xây dựng đường ống dẫn dầu trị giá 32 tỷ bảng của tập đoàn BP nối Azerbaijan và Địa Trung Hải. Ông được trả tiền để cố vấn cho Tổng thống Azerbaijan. Sau đó, ông đã được BP nhờ để tìm kiếm thỏa thuận nhượng quyền khai thác dầu mới ở Abu Dhabi.

Ngày nay, với mạng lưới văn phòng đại diện dày đặc, ông Blair vẫn đóng vai trò trung tâm trong nhiều tập đoàn. Tháng 2.2016, ông Blair tuyên bố đã thành lập một mạng lưới liên hệ thương mại ở 25 quốc gia - song song với các quỹ từ thiện ở 20 quốc gia. Dường như ông Blair đã hoàn thành lời hứa với vợ. Gia đình Blair hiện rất giàu và đến nay đã chi hơn 25 triệu bảng chỉ riêng vào bất động sản Anh.

Thùy Dương (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem