Các tỉnh ĐBSCL phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn: Khách thích, nông dân tăng thu nhập

Ngọc Mai Thứ sáu, ngày 25/12/2020 10:18 AM (GMT+7)
Cùng với đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các tỉnh khu vực ĐBSCL còn tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn với du lịch, kết nối cung cầu... Qua đó, hình thành những sự kiện đặc sắc trong phát triển sản phẩm OCOP của vùng 3 năm qua.
Bình luận 0

Phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP trên toàn quốc, tại khu vực phía Nam gồm 19 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, đã có 11 tỉnh/thành tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hiện Đông Nam Bộ còn 5/6 tỉnh, ĐBSCL còn 3/13 tỉnh chưa có kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chỉ chiếm 18,07% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước.

Riêng khu vực ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, trong đó số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Sản phẩm OCOP của vùng chủ yếu là thực phẩm. Hiện có 209 chủ thể có sản phẩm OCOP, tập trung nhiều là các cơ sở/hộ sản xuất.

Các tỉnh ĐBSCL phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn: Khách thích, nông dân tăng thu nhập - Ảnh 1.

Du khách tham quan khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên. Ảnh: Hồng Cẩm

Đáng chú ý, các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Đồng Tháp nằm trong nhóm 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL chủ yếu là thực phẩm với tỷ lệ 84,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 82,3%.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, thời gian qua, các tỉnh phía Nam đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như: trái cây, lúa gạo, du lịch sinh thái để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương như: Dừa, bưởi, sầu riêng, chôm chôm của Bến Tre; lúa gạo ở Sóc Trăng, An Giang; trái cây, du lịch ở Đồng Tháp... Từ đó, các địa phương từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chương trình đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả sơ bộ đến 10/2020, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ ở khu vực ĐBSCL chiếm 36,9%, cao nhất trên cả nước.

Các tỉnh ĐBSCL phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn: Khách thích, nông dân tăng thu nhập - Ảnh 2.

Những vườn quýt Lai Vung ở Đồng Tháp chín vàng, sai trĩu quả là địa điểm tham quan du lịch của nhiều du khách. Ảnh: T.L

Định hướng của các tỉnh ĐBSCL thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.

Đẩy mạnh sản phẩm OCOP du lịch nông thôn

Thời gian qua, tại vùng ĐBSCL, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được các tỉnh chú trọng, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực.

Đồng Tháp là 1 trong những địa phương thực hiện tích cực Chương trình OCOP. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, với những nỗ lực không ngừng trong việc tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến tháng 9/2020, ngành công thương hỗ trợ kết nối cho trên 33 sản phẩm OCOP của nhiều đơn vị ký kết hợp đồng và cung ứng sản phẩm vào các siêu thị Co.op Mart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh...

Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp Công ty TNHH Mega Market tổ chức Tuần hàng OCOP Đồng Tháp tại Siêu thị Mega Market An Phú (quận 2, TP.HCM). Theo đó, có 51 sản phẩm của 18 đơn vị tham gia và được Công ty TNHH Mega Market chấp nhận đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị của công ty.

Cùng với đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khu vực ĐBSCL còn tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch, kết nối cung cầu ở Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Các sự kiện đều được các địa phương lựa chọn chủ đề phù hợp, mang đặc trưng gắn với lợi thể của từng địa phương như: Lễ hội dừa Bến Tre; lễ hội hoa Sa Đéc; phát triển du lịch cộng đồng, kết nối tour - tuyến du lịch Sóc Trăng... Qua đó, hình thành những sự kiện đặc sắc trong phát triển sản phẩm OCOP của vùng.

Với 99 sản phẩm OCOP, Sóc Trăng là tỉnh có số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Bên cạnh nâng cao vị thế các mặt hàng nông sản sẵn có, Chương trình OCOP năm 2020 Sóc Trăng còn hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch nông thôn đặc trưng và đậm chất miền Tây.

Ông Nguyễn Hoàng Thuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Sóc Trăng là địa phương có nhiều sản vật nông, lâm, thủy sản đặc trưng được nhiều người biết: như gạo ST 24, ST 25; gạo tài nguyên (huyện Thạnh Trị); trà mãng cầu các vị (thị xã Ngã Năm); bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa tím (huyện Kế Sách); nấm rơm đóng hộp (huyện Châu Thành); bánh in, mè láo (huyện Mỹ Xuyên)… Việc phát triển sản phẩm OCOP từ hình thức du lịch nông thôn sẽ mang đến doanh thu tốt hơn cho chủ cơ sở. Đây cũng vừa là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh của tỉnh, vừa giải quyết được lao động nông thôn tại chỗ.

Ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho biết: Với mục tiêu đưa các sản phẩm du lịch vào Chương trình OCOP, đơn vị đang phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh tập trung hướng dẫn cho 2 chủ thể, là điểm du lịch Chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm) và Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung) hoàn thiện thêm các tiêu chí, bảo đảm về tính cộng đồng cũng như các điều kiện đón tiếp khách.

Hiện tại, để Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên đủ tiêu chuẩn công nhận sản phẩm OCOP du lịch nông thôn, ngành du lịch cũng như nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang hướng dẫn, hỗ trợ để khu du lịch hoàn thiện về hạ tầng, nhằm bảo đảm các tiêu chí theo quy định.

Ông Trần Quang Cần - Giám đốc Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên cho biết, Khu du lịch được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2019, gồm phòng lưu trú; khu ăn uống, với những đặc sản của xứ cù lao. Đặc biệt, để tạo điểm nhấn riêng, sản phẩm quà lưu niệm tại Farmstay Sân Tiên ngoài các loại hải sản đặc trưng thì còn có sản phẩm "Tôm một gió" đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và được du khách đánh giá cao và rất ưa chuộng.

Theo ông Cần, sau khi Khu du lịch đi vào hoạt động, ông được Sở VHTTDL cùng chính quyền địa phương vận động làm sản phẩm OCOP du lịch nông thôn. Hiện, tính theo thang điểm, Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên đã đạt 3 sao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem