Các tỉnh miền núi phía Bắc bàn cách trồng loại cây tỷ đô lại dễ tính trên đất dốc

Hoàng Hữu Thứ sáu, ngày 09/08/2024 11:48 AM (GMT+7)
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Sáng ngày 9/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và Hiệp hội Sắn Việt Nam tổ chức Hội nghị Sản xuất sắn trên đất dốc các tỉnh phía Bắc. Đồng chí Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT dự và chủ trì hội nghị.

Sắn là một trong những cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo. Trong 5 năm trở lại đây, tinh bột sắn và sắn lát có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ đồng bào vùng cao.

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị Sản xuất sắn trên đất dốc các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hữu.

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn thời gian qua đã từng bước đồng hành cùng nông dân đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo được niềm tin cho người trồng sắn.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, năm 2023, tổng diện tích sắn toàn quốc đạt 511.433,4ha, trong đó diện tích sắn các tỉnh phía Bắc đạt 156.400ha (chiếm 30,6% tổng diện tích sắn cả nước); năng suất bình quân đạt 147,2 tạ/ha (bằng 72,4% năng suất sắn cả nước); sản lượng đạt 2,3 triệu tấn (chiếm 22% sản lượng sắn cả nước).

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Sản xuất sắn trên đất dốc các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hữu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT 19 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, tổng diện tích sắn trồng trên đất dốc đạt 130.487,4 ha. Năng suất sắn các tỉnh phía Bắc đạt 147,2 tạ/ha (tương đương 70% năng suất sắn cả nước). Trên địa bàn các tỉnh phía Bắc có 31 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại 14 tỉnh với tổng công suất thiết kế 1,487 triệu tấn củ tươi/năm, đáp ứng được 64,6% sản lượng sắn toàn vùng.

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 3.

Sắn được trồng trên đất dốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hữu.

Sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới, sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau Thái Lan.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.269.847 tấn, trị giá 571,313 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 452,9 USD/tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 4.

Nông dân thu hoạch sắn trên đất dốc ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu.

Tại tỉnh Yên Bái, năm 2024, diện tích trồng sắn là 7.788 ha, sản lượng dự kiến đạt 154.350 tấn. Yên Bái cũng là một trong những địa phương có diện tích canh tác sắn khá cao của cả nước, trong đó vùng quy hoạch trồng tập trung diện tích lớn phục vụ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến tại huyện Văn Yên và Yên Bình. 

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 02 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sắn với công suất 150.000 tấn sắn củ tươi/năm. Các nhà máy được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu, các vùng nguyên liệu được quy hoạch và đầu tư cho năng suất cao.

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 5.

Canh tác sắn trên đất dốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hữu.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn ở các tỉnh phía Bắc còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục như: Nhận thức của người dân và một số địa phương về cây sắn còn chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn coi cây sắn là cây trồng có ảnh hưởng đến chất lượng đất; trồng sắn theo hình thức quảng canh, không đầu tư, sản xuất bị động, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu còn hạn chế; thiếu đầu tư nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc dẫn đến năng suất thấp; còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để định hướng cho việc đầu tư, phát triển ngành hàng sắn…

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT báo cáo thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất sắn các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hữu.

Để sản xuất cây sắn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại các tỉnh phía Bắc, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, cần ban hành quy trình canh tác sắn trên đất dốc theo hướng bền vững, phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sinh thái; tổ chức sản xuất giống sắn sạch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sắn; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về sắn và sản phẩm sắn; phát triển các quy trình kỹ thuật chế biến sắn và sản phẩm từ sắn phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo tạo thuận lợi cho đầu ra của các vùng trồng sắn trên đất dốc…

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng đã tập trung đánh giá về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sắn của nước ta và trong khu vực. Qua các ý kiến tham luận cho thấy nếu việc đầu tư chế biến sắn được quan tâm sẽ mở ra triển vọng phát triển tốt, từ đó, có cơ hội để phát triển mạnh các diện tích sản xuất sắn bền vững trên đất dốc trên cả nước. 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung đề nghị trong thời gian tới cần rà soát xây dựng các quy trình sản xuất sắn trên đất dốc theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện sinh thái; các viện, doanh nghiệp trong Hiệp hội Sắn Việt Nam tiếp tục nghiện cứu chọn tạo các bộ giống chất lượng hơn với hàm lượng tinh bột cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn; tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, có quy trình hoàn thiện để người trồng sắn dễ áp dụng thực tế. 

 

Các tỉnh miền núi phía bắc bàn cách để sản xuất sắn trên đất dốc đạt hiệu quả cao - Ảnh 8.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị Sản xuất sắn trên đất dốc các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hữu.

Cùng với đó là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn diện cho người dân và cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương về vai trò của cây sắn và hiệu qủa kinh tế của cây sắn mang lại, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất sắn trên đất dốc bền vững; xây dựng chính sách bài bản, căn cơ, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật cho người dân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem