Các trường đại học ráo riết chuẩn bị chấm thi

Thứ ba, ngày 12/07/2011 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo quy định, trong vòng 20 ngày, kể từ khi kết thúc môn thi cuối, các trường phải gửi điểm về Bộ GDĐT.Kỳ thi đại học đợt 2 vừa kết thúc, các trường đã ráo riết chuẩn bị công tác chấm thi để kịp công bố điểm cho thí sinh.
Bình luận 0

Huy động giáo viên THPT

Do có tuyển cả các ngành năng khiếu nên đến ngày hôm qua (11.7), Đại học Thái Nguyên mới kết thúc buổi thi cuối cùng, muộn hơn một ngày so với các khối thi bình thường. Theo ông Nguyễn Kim Vui - Phó Hiệu trưởng của trường, ngay sau khi hoàn tất công tác tổ chức thi, trường mới tập hợp bài của thí sinh để chấm.

img
Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Hà Nội.

Năm nay, Đại học Thái Nguyên có khoảng 24.000 thí sinh dự thi. Số bài thi môn tự luận vì thế lên đến hàng chục nghìn bài. Ông Vui cho biết, mặc dù có số lượng giảng viên rất lớn nhưng trường vẫn phải huy động giáo viên THPT tham gia chấm thi. “Chúng tôi đặt hàng với Sở GDĐT Thái Nguyên, sau đó, Sở sẽ phân người về chấm cùng. Phải triển khai nhanh mới kịp” - ông Vui nói.

Tương tự như Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Hà Nội cũng cho biết phải nhờ giáo viên THPT bên ngoài chấm. Theo ông Đặng Đình Cung - Phó Trưởng phòng Đào tạo, các bài thi trắc nghiệm trường nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GDĐT chấm. Bài trắc nghiệm của cả hai đợt thi đã được gửi đến Cục này. Tuy nhiên, do có rất nhiều trường nhờ Cục Khảo thí chấm nên số lượng bài thi lớn. “Chúng tôi cũng chưa biết khi nào thì có kết quả” - ông Cung cho biết.

Có số lượng thí sinh không lớn nhưng Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng xúc tiến chấm thi ngay trong ngày thi cuối cùng của đợt 2. Ông Lương Khắc Hiếu - Phó Giám đốc Học viện cho biết, trường phải triển khai sớm để đảm bảo tiến độ. Giống như Trường Đại học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng gửi bài trắc nghiệm đi chấm tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GDĐT.

Vừa chấm, vừa dò

Do chấm bằng máy nên việc chấm thi trắc nghiệm nhanh hơn chấm thi tự luận. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Vui, các khâu phụ trợ cho máy chấm cũng tốn khá nhiều thời gian, nhất là việc vừa chấm, vừa dò. Các bài thi phải được chia thành từng lô, mỗi lô 1.000 bài. Các bài này phải xếp thứ tự số báo danh từ thấp đến cao và cho vào máy quét một lượt. Việc phân lô và sắp xếp số báo danh nhằm giúp cho khâu kiểm dò được dễ dàng hơn.

Ngày 11.7, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã có công văn gửi các trường đại học, học viện về việc chấm thi trắc nghiệm. Trong đó, Cục yêu cầu các trường bắt buộc phải thực hiện kiểm dò để đối chiếu hết lỗi logic và sửa các lỗi kỹ thuật (nếu có) ở quá trình quét; sử dụng chức năng lọc của phần mềm, lọc ra trong file dữ liệu các bài có nhiều câu bỏ trắng (không tô) và những câu tô đúp để rút bài kiểm dò.

Với mỗi bài thi, khi máy báo ô nào đó bị trống, cán bộ chấm thi phải lục lại bài đó, kiểm tra xem có thật ở câu đó thí sinh không đánh dấu đáp án nào hay không. Nếu trống thật thì để nguyên, nếu do thí sinh tô mờ, máy không đọc được thì phải sửa trong máy để đảm bảo kết quả thi chính xác cho thí sinh. Nếu thí sinh nào tô hai ô liền trong một câu, máy sẽ báo lỗi, cán bộ chấm thi cũng phải tìm bài thi đó để kiểm tra.

“Tuy mất thời gian nhưng chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh” - ông Vui chia sẻ.

Bên cạnh đó, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng yêu cầu các trường phải sử dụng chức năng của phần mềm chấm thi để lọc ra tất cả những bài thi mà thí sinh làm cả hai phần riêng. Những bài thi thí sinh làm cả hai phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy, chỉ được chấm điểm phần chung và không được chấm điểm phần riêng. Phần này, Cục yêu cầu các trường phải kiểm dò thật kỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem