Với số lượng 51.000 hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu chỉ có 5.000, tỷ lệ chọi của Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm nay là 10,1/1. Theo ông Trần Đức Viên - Hiệu trưởng nhà trường, số hồ sơ năm nay tăng khoảng 8.000 bộ so với năm 2010 (năm 2010, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường là 43.000 bộ).
|
Thí sinh ngày càng biết lựa chọn những trường, những ngành phù hợp với năng lực học tập của mình (Ảnh minh họa). |
Chỉ tiêu 8.700, hồ sơ 72.000 bộ
Trong khi các đại học vùng như Đại học Tây Nguyên, Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), Đại học Đồng Tháp rất khó tuyển sinh thì các ngành học của Đại học Nông nghiệp vẫn khá “đắt hàng” do xét trong lĩnh vực nông nghiệp thì đây là trường hàng đầu.
Cũng là trường tốp trung, Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn là một trong những trường có lượng hồ sơ lớn nhất cả nước. Năm 2009, lượng hồ sơ trường nhận được là 65.000 bộ, năm 2010 là 53.000 bộ và năm 2011 vọt lên 72.000 bộ.
Theo Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Văn Bổng, chỉ tiêu năm nay của trường là 8.700, tăng 700 chỉ tiêu so với năm 2010. Trong khi chỉ tiêu tăng chưa tới 1.000 thì số lượng hồ sơ đã tăng tới 19.000 bộ, gấp 27 lần. Theo đó, tỷ lệ chọi vào trường năm nay là 8/1.
Tuy nhiên, theo ông Bổng, số lượng thí sinh ảo của trường cũng khá lớn. Năm 2009, tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ đạt 65%, năm 2010 tăng lên 75%. “Năm nay dự kiến tỷ lệ dự thi đạt khoảng 70%” - ông Bổng nói.
Lý giải nguyên nhân “hút” thí sinh, ông Bổng cho biết có nhiều lý do. Thứ nhất trường đào tạo ngành công nghệ nên sinh viên ra trường dễ xin việc, có thể đi làm ngay. Hơn nữa, trường lại ở tốp giữa, điểm chuẩn đầu vào không quá cao. Mặc dù tỷ lệ chọi vào trường lớn nhưng chất lượng chọi lại không cao do số thí sinh thực sự xuất sắc thi vào trường không nhiều, do đó, chỉ cần có học lực khá sẽ đỗ.
Điểm chuẩn vẫn sẽ cao
Khác với các đại học tốp giữa, lượng hồ sơ dự thi vào các trường đại học tốp đầu khá ổn định.
Số hồ sơ nhận được của Đại học Bách khoa Hà Nội là gần 16.000 bộ, tăng khoảng 1.000 bộ so với năm 2010. Với chỉ tiêu 5.800, tỷ lệ chọi của trường năm nay là 2,7/1, tương đương năm ngoái. Từ năm 2010, Đại học Bách khoa thay đổi phương thức tuyển sinh, thay vì lấy điểm chuẩn đầu vào theo từng ngành, trường chuyển sang lấy điểm chuẩn theo nhóm ngành.
Bên cạnh đó, mỗi thí sinh khi đến dự thi sẽ được phát phiếu đăng ký nguyện vọng, nếu không đủ điểm vào ngành này có thể đăng ký nguyện vọng chuyển xuống ngành khác có điểm thấp hơn. Theo Trưởng phòng Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cách tuyển mới này vừa giúp trường ít phải tuyển nguyện vọng 2, 3, vừa giúp thí sinh có thêm cơ hội đỗ đại học.
Mùa thi năm nay, Bộ GGĐT đã có nhiều điều chỉnh có lợi cho thí sinh. Thứ nhất là miễn thi cho thí sinh khuyết tật và thí sinh người nước ngoài. Thứ hai, Bộ quy định, trong thời hạn xét tuyển nguyện vọng, hàng ngày các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh và công bố công khai thông tin này trên cổng thông tin điện tử của trường. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút.
So với Đại học Bách khoa, tỷ lệ chọi vào Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm nay cao hơn, đạt 5/1, tương đương năm 2010. Trường có trên 24.300 hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu là 4.750. So với năm trước, số hồ sơ năm nay tăng lên 4.000 bộ, chỉ tiêu tăng 750 suất.
Tuy nhiên, ông Phạm Tất Dong - Trưởng phòng Đào tạo, cho biết số chỉ tiêu tăng này chủ yếu dành cho đối tượng thí sinh đào tạo theo địa chỉ, theo dự án của Nhà nước. Mặc dù tỷ lệ chọi không quá cao, lượng hồ sơ không tăng với số lượng “khủng” như các trường tốp giữa, nhưng theo ông Dong, điểm chuẩn vào trường sẽ vẫn cao do chất lượng thí sinh dự thi cao.
Tỷ lệ chọi giảm nhưng điểm chuẩn sẽ ít ảnh hưởng cũng là khẳng định của ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng. Năm nay, số lượng hồ sơ của Học viện Ngân hàng không tăng mà giảm từ 16.000 bộ năm 2010 xuống 14.000 bộ trong khi chỉ tiêu không đổi, là 2.300 chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi 6/1.
Hoàng Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.