Cách giải quyết khi trẻ than phiền về giáo viên

Thứ ba, ngày 30/04/2024 14:50 PM (GMT+7)
Khi trẻ phàn nàn về lớp học và giáo viên, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là xác thực thông tin.
Bình luận 0

Sau đó, hãy trao đổi với giáo viên để cùng đưa ra cách giải quyết phù hợp.

Những tình huống khiến trẻ phàn nàn

Tại các quốc gia, hầu hết giáo viên đều được yêu cầu có bằng đại học và từng tham gia một khóa thực tập giảng dạy trước khi đứng lớp. Tuy nhiên, khi trẻ phàn nàn về giáo viên, việc phụ huynh sẽ lo lắng về kết quả học tập của con là điều hoàn toàn bình thường.

Trong trường hợp này, cha mẹ có thể đặt câu hỏi về việc trẻ đang học gì, có cảm thấy lo lắng hay buồn bã không và liệu có sẵn sàng chuyển sang lớp tiếp theo hay không. Các chuyên gia cho biết, phụ huynh cần nhớ rằng, mình không trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra trong lớp. Mặc dù những lo lắng này chắc chắn là có cơ sở, nhưng vẫn có nhiều cách để giúp trẻ cảm thấy hài lòng về giáo viên.

Trẻ có thể phàn nàn khi giáo viên không đưa ra những trò chơi, mà chỉ lặp lại giữa việc giảng dạy trên lớp và giao bài tập. Thông thường, đối với trẻ, một tiết học sẽ hấp dẫn hơn khi giáo viên kết hợp bài tập thực hành, dự án và thảo luận nhóm để truyền cảm hứng cho học sinh.

Giáo viên có phong cách dạy buông lỏng, không kiểm soát cũng có thể khiến trẻ phàn nàn với cha mẹ. Khi đó, lớp học có xu hướng giống một bữa tiệc hơn là môi trường học tập có tổ chức. Học sinh nói chuyện trong giờ học, cãi lời giáo viên và thậm chí có thể có những hành vi không đúng mực trong lớp. Khi đó, trẻ có thể phàn nàn rằng, lớp học ồn ào, hỗn loạn và thậm chí căng thẳng.

Trẻ cũng có thể buồn chán hoặc nói rằng, việc học ở trường dễ dàng nếu giáo viên quá nhẹ nhàng. Khi đó, trẻ cho rằng, bài tập ở trường quá dễ dàng và đòi hỏi ít nỗ lực để hoàn thành.

Cách giải quyết khi trẻ than phiền về giáo viên- Ảnh 1.

Khi nghe trẻ phàn nàn về lớp học, trước khi hành động, phụ huynh cần tìm hiểu thêm về tình hình bằng cách thu thập thông tin.

Tìm hiểu thông tin kỹ càng

Thông thường, cha mẹ thường có xu hướng lo lắng khi nghe con phàn nàn. Bản năng đầu tiên của phụ huynh là ngay lập tức muốn tạo ra sự thay đổi. Song, theo các chuyên gia, phụ huynh không nên làm vậy. Thay vào đó, hãy tạm dừng và cố gắng thu thập thông tin cần thiết để hiểu đầy đủ những gì đang diễn ra, trước khi làm bất cứ điều gì khác. Những câu chuyện phụ huynh nghe được từ con hoặc bạn bè có thể không phải là toàn bộ sự thật. Bởi, trẻ có thể đã hiểu sai những gì giáo viên nói. Hoặc, trẻ có thể đang lặp lại một tin đồn thất thiệt được lan truyền khắp trường.

Sau đó, phụ huynh hãy nói chuyện thẳng thắn với con. Việc yêu cầu trẻ suy nghĩ về những tài liệu mà chúng nên học ở trường có thể khơi gợi trí tò mò và trở thành một thói quen học tập. Một số giáo viên có thể giao bài tập nhưng không theo dõi để đảm bảo tài liệu phù hợp. Khi đó, cha mẹ có thể giúp đỡ ở nhà bằng cách đặt câu hỏi để khiến trẻ suy nghĩ sâu hơn về bài tập trên lớp.

Trong trường hợp này, cha mẹ có thể đặt ra cho trẻ những câu hỏi như: Con có thể nói về những gì đã học được hôm nay? Con có đang thắc mắc điều gì khác về những gì đã học? Con nghĩ mình có thể sử dụng kiến thức đó như thế nào trong tương lai?... Kiểu thảo luận này không chỉ khiến trẻ suy nghĩ nhiều hơn về việc học, mà còn mang lại cho phụ huynh thông tin giá trị về giáo viên và những gì diễn ra trong lớp. Phụ huynh hãy cho trẻ một chút thời gian để thư giãn khi đi học về. Trước khi hỏi về ngày của trẻ, hãy cân nhắc tới việc làm cho con một bữa ăn nhẹ hoặc đi dạo. Điều đó có thể sẽ khiến trẻ cởi mở hơn.

Mọi người đều có lợi khi phụ huynh có mối quan hệ tích cực với giáo viên và nhà trường. Việc lựa chọn chiến lược tốt nhất sẽ giúp cha mẹ và trẻ đối phó với những vấn đề đầy thách thức mà gia đình có thể gặp phải trong tương lai. Sau khi lắng nghe, cha mẹ hãy giúp con trước tiên bằng cách yêu cầu trẻ xác định chính xác vấn đề là gì. Hãy hỏi về điều mà trẻ nghĩ có thể sẽ khiến vấn đề tốt hơn, đồng thời đề xuất một số phương án mà trẻ có thể áp dụng trong lớp học để giải quyết vấn đề. Ví dụ: Nếu giáo viên chưa trả lời câu hỏi, trẻ có thể tìm câu trả lời trong sách, từ bạn cùng lớp, Internet hoặc ghi chú. Nếu lớp học hỗn loạn, trẻ có thể di chuyển đến một nơi yên tĩnh trong phòng hoặc hành lang để làm bài không?

Nếu bài tập ở trường nhàm chán, trẻ có thể khéo léo đề nghị giáo viên giao bài bổ sung không? Hãy thử một tình huống nhập vai. Trong đó, trẻ có thể thực hành tiếp cận giáo viên về vấn đề này. Hoặc, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ bằng một số chủ điểm để con có thể tự mình sử dụng khi nói chuyện với giáo viên. Trên hết, điều quan trọng là phải hỗ trợ trẻ và đảm bảo với con rằng, cha mẹ coi trọng mối quan tâm của chúng. Hãy cho trẻ biết rằng, cha mẹ hiểu và sẽ ở đó để hướng dẫn con từng bước.

Cách giải quyết khi trẻ than phiền về giáo viên- Ảnh 2.

Sau khi lắng nghe, cha mẹ hãy giúp con trước tiên bằng cách yêu cầu trẻ xác định chính xác vấn đề là gì.

Trao đổi với giáo viên và nhà trường

Ngoài ra, phụ huynh cần sắp xếp thời gian để nói chuyện với giáo viên. Tốt nhất là nên làm việc này trực tiếp nếu có thể. Hãy để giáo viên bình tĩnh biết những gì trẻ đã chia sẻ với cha mẹ. Sau đó, lắng nghe phản hồi từ giáo viên. Hãy thận trọng khi trình bày những gì trẻ đã nói mà không mang tính buộc tội. Ví dụ, phụ huynh có thể nói: “Con trai tôi có vẻ cảm thấy mất hứng thú với môn Toán. Làm thế nào chúng ta có thể làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề này?”.

Khi đó, giáo viên có thể có cách giải thích khác về các sự kiện. Trẻ có thể hoàn toàn không biết về cách chúng nhìn nhận. Phụ huynh cũng cần biết rằng, trẻ là một phần của vấn đề. Ví dụ, giáo viên có thể không sẵn lòng giúp đỡ vì trẻ không chịu chú ý, lười học, hoặc từ chối làm theo chỉ dẫn cũng như ghi chép trong lớp.

Một lưu ý phụ huynh cần chú trọng đó là luôn tôn trọng khi nói chuyện với giáo viên. Tránh buộc tội và đổ lỗi. Điều này có thể khiến giáo viên im lặng thay vì phản hồi một cách hiệu quả. Việc phản hồi sẽ giúp giáo viên sẵn sàng cải thiện và trao đổi những điều cần thiết.

Việc cha mẹ thường xuyên quan sát hoạt động của lớp cũng sẽ giúp phụ huynh hiểu được rõ hơn về những gì đang xảy ra. Mỗi trường có những quy định khác nhau về việc phụ huynh đến thăm. Vì vậy, cha mẹ hãy hỏi văn phòng và giáo viên trước khi ghé qua. Trong trường hợp trẻ phàn nàn về vấn đề có vẻ nghiêm trọng, cha mẹ có thể ngỏ ý để được trao đổi với hiệu trưởng nhà trường.

Phụ huynh hãy bắt đầu bằng cách bình tĩnh và nêu rõ ràng trong một hoặc hai câu về vấn đề đó. Nói về những gì đã xảy ra và cách vấn đề đã ảnh hưởng đến trẻ. Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Lớp học của thầy Smith hỗn loạn và điều đó khiến con tôi không thể tập trung học. Con tôi đã nhiều lần nói rằng, cháu cảm thấy căng thẳng vì tiếng ồn và không thể hoàn thành bất kỳ bài tập nào ở trường. Tôi đã đến quan sát hai lần trong 20 phút suốt thời gian lớp học diễn ra”.

Tuy nhiên, phụ huynh không nên mong đợi việc hiệu trưởng sẽ đi sâu vào chi tiết cụ thể về cách họ dự định giải quyết mọi vấn đề với giáo viên. Bất kỳ hành động kỷ luật nào cũng có thể được xử lý một cách thận trọng. Cha mẹ hãy ghi lại mọi thông tin liên lạc với giáo viên và lãnh đạo nhà trường.

Trong trường hợp trẻ không tiếp thu được trên lớp, hãy cố gắng hết sức để lấp đầy những khoảng trống trong học tập của con càng nhanh càng tốt. Xem xét việc dạy kèm hoặc các lựa chọn khác để trẻ tham gia lớp học thêm bên ngoài trường. Bằng cách này, trẻ sẽ bắt kịp tiến độ và sẵn sàng lên lớp. Điều quan trọng là cha mẹ cần cung cấp cho con một số kỹ năng đối phó để điều hướng tình huống. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy được trao quyền để bảo vệ bản thân.

Phụ huynh thường xuyên trao đổi với con để đảm bảo tình hình không trở nên tồi tệ hơn. Việc này cũng giúp phụ huynh theo dõi sức khỏe tinh thần và cảm xúc của trẻ.

Theo Very well family
Kim Dung (giaoducthoidai.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem