Cách ly toàn xã hội 15 ngày vì Covid-19: Người dân và doanh nghiệp không nhất thiết phải rút tiền dự phòng

Huyền Anh Thứ tư, ngày 01/04/2020 06:15 AM (GMT+7)
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết.
Bình luận 0

Ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Công điện 03/CĐ – NHNN thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.

img

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Thưa ông, ngành Ngân hàng đã triển khai như thế nào về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ?

- Ngay sau khi có Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid 19, NHNN đã ban hành Công điện số 03/CĐ-NHNN ngày 31/3/2020, trong đó chỉ đạo cụ thể các đơn vị thuộc hệ thống NHNN và các NHTM triển khai ngay việc bố trí cán bộ làm việc tại nhà và một bộ phận cần phải được duy trì làm việc tại cơ quan.

Ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở để đáp ứng yêu cầu đó.

Ông có thể nói rõ hơn, cụ thể những bộ phận nào của NHNN và NHTM vẫn bố trí làm việc tại trụ sở?

- Đó là hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được NHNN duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế. Đối với các NHTM, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới.

Chúng tôi cũng giao cho lãnh đạo các NHTM thông báo với chính quyền địa phương để cho phép các chi nhánh, các phòng giao dịch được mở cửa hoạt động bình thường. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết.

Thưa ông, sau Công điện của NHNN, các Ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai như thế nào?

- Trước đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các NHTM về việc xây dựng các phương án, kịch bản nhằm đối phó với mọi diễn biến của dịch Covid19. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động phục vụ này không nằm ngoài các phương án, kịch bản đã có để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn thông suốt.

Theo nội dung của Công điện 03/CĐ – NHNN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu, đối với các đơn vị thuộc NHNN bố trí cán bộ làm việc tại nhà trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 01/04/2020. Việc bố trí cán bộ làm việc tại nhà phải tuân thủ các yêu cầu sau: Cán bộ chủ động bố trí phương tiện làm việc (máy tính, Ipad, điện thoại, email…) phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc. Đảm bảo thời gian làm việc như làm việc tại cơ quan và duy trì liên lạc thường xuyên qua các phương tiện thông tin, đặc biệt là trong 8 giờ làm việc hành chính… để đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trực thuộc NHNN, theo chỉ thị 16/CT-TTg, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trực thuộc NHNN là các đơn vị dịch vụ, do đó, từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trực thuộc chủ động quyết định việc bố trí cán bộ theo các phương án, kịch bản phòng, chống dịch của mình, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là đảm bảo sự hoạt động liên tục của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM; Hạn chế tối đa số lượng cán bộ phải đến trụ sở làm việc. Tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch khi bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở;

Thủ trưởng các đơn vị của các Tổ chức tín dụng chủ động thông báo với chính quyền địa phương về những địa điểm cần thiết phải được duy trì hoạt động, tổ chức giao dịch phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế. Trong quá trình triển khai thực hiện công điện này, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị chủ động trao đổi với Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản trị của NHNN và báo cáo trực tiếp Thống đốc, Phó Thống đốc thường trực để được chỉ đạo, xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem