Cách nhận biết mít, sầu riêng chín cây không ngậm hóa chất

Thứ tư, ngày 28/09/2016 09:54 AM (GMT+7)
Chỉ với vài lưu ý nhỏ, người tiêu dùng có thể phân biệt được các quả mít, sầu riêng chín cây với loại đã bị ngâm hóa chất thúc chín.
Bình luận 0

Quả mít và sầu riêng hiện giờ được bày bán quanh năm chứ không phải chỉ có trong một mùa nhất định như trước đây. Điều này khiến cho người tiêu dùng không biết chọn lựa thế nào để mua được những quả sạch chín tự nhiên. Tuy nhiên, với một vài lưu ý, người tiêu dùng vẫn có thể chọn được những quả mít hay sầu riêng chín cây.

img

Ảnh minh họa

Sầu riêng chín cây sẽ có cuống tươi, khi tác động lực tạo cảm giác mềm tay, đầu cuống không có vết cắt của dao kéo. Gai của sầu riêng chín cây sắc, nhọn và cứng. Nhiều người lầm tưởng rằng sâu riêng chín có màu nâu, vàng. Nhưng trên thực tế, sầu riêng có màu xanh vẫn có thể đủ độ chín. Nếu bổ ra, múi của sầu riêng chín cây có màu vàng nhạt hơn những quả sầu riêng ngâm thuốc.

Đối với mít, quả chín tự nhiên sẽ có mùi hương nhẹ, trong khi mít dùng thuốc không có được mùi hương này. Gai của mít chín cây bị tù và mắt quả bị giãn.

Theo Viện nghiên cứu rau quả quốc gia, hầu hết những loại quả chín sau thu hoạch bán trên thị trường như sầu riêng, mít, xoài... đều được hái khi còn xanh. Có khoảng 60% các loại quả này dùng thuộc thúc chín để giúp quả chín đẹp khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, loại thuốc thúc chín hay được sử dụng lại không phải là hàng chính ngạch.

"Một ống nhỏ thuốc thúc chín chỉ có 1.000 – 2.000 đồng. Thế nhưng, khi nhập khẩu sản phẩm này không bao giờ có giá đó. Nó không gây ung thư, không gây độc nhưng với liều lượng cao thì cũng sẽ gây hại", TS Hoàng Thị Lệ Hằng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả quốc gia cho biết.

Thuốc thúc chín thực chất không gây hại sức khỏe nhưng do chưa được cấp phép nên với cách dùng tràn lan, sai nồng độ như hiện nay, dù thuốc có an toàn cũng sử trở thành phản tác dụng. Người tiêu dùng sẽ phải chịu những hậu quả này. Đặc biệt, các chuyên gia cũng lưu ý việc dùng đất đèn để giấm hoa quả làm một phương pháp độc hại.

"Quá trình ủ bằng đất đèn sản sinh ra khí acetylen – một loại khí độc và cấm sử dụng trong thực phẩm", TS Hoàng Thị Lệ Hằng cho biết.

Minh Long (VTV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem