Một ông nông dân Hậu Giang nuôi lươn dày đặc, con đặc sản bình dân mà nhà khá giả hẳn lên
Con đặc sản bình dân này được ông nông dân Hậu Giang nuôi dày đặc, nhà khá giả hẳn lên
Trần Minh Luân
Thứ bảy, ngày 23/11/2024 05:44 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhận thấy trong quá trình nuôi lươn thương phẩm nếu tự nuôi lươn sinh sản (nuôi lươn bố mẹ cho đẻ trứng, ấp thành lươn bột, lươn giống) để chủ động được nguồn lươn giống và bán con giống sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận...
Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn thương phẩm tại tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển mạnh. Trong quá trình nuôi, người dân đã dần đúc kết được nhiều kinh nghiệm và được các ngành chuyên môn tập huấn hướng dẫn thêm về khoa học kỹ thuật từ đó nhiều hộ dân nuôi lươn tại tỉnh Hậu Giang đang dần mở rộng quy mô nuôi lươn thương phẩm và tự sản xuất được lươn giống.
Cụ thể đến với hộ ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhận thấy trong quá trình nuôi lươn thương phẩm nếu tự nuôi lươn sinh sản để chủ động được nguồn lươn giống và bán con giống sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư.
Lươn giống tự sản xuất sẽ quen với môi trường nuôi tại nhà nên thích nghi hơn so với mua lươn giống từ nơi khác đem về, qua đó hạn chế được rủi ro hao hụt, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận.
Ông Tùng cho biết: Năm 2021 ông chỉ nuôi 2 bể lươn với số lượng 6.000 con lươn giống, sau thời gian 11 tháng nuôi ông bán được gần 1 tấn lươn thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nông dân nuôi lươn thương phẩm, nuôi lươn sinh sản, bán lươn giống đang chăm sóc lươn thịt nuôi trong các bể xi măng với hình thức nuôi không bùn.
Sau đợt bán lươn này ông Tùng mạnh dạn mở rộng quy mô và đầu tư nuôi lươn sinh sản. Năm 2024, ông Tùng đầu tư 06 bể nuôi lươn sinh sản, với diện tích mỗi bể là 16 m2 ông nuôi 100 con lươn bố mẹ, tổng số được 600 con lươn bố mẹ.
Ông Tùng cho biết thêm: Từ đầu năm 2024 đến tháng 10/2024 ông Tùng bán được 700 kg lươn thương phẩm, giá lươn thương phẩm bán 115.000 đồng/kg thu nhập được 80,5 triệu đồng và bán được 40.000 con lươn giống với giá lươn giống là 2.500 đồng/con thu nhập được 100 triệu đồng.
Tổng thu nhập từ mô hình nuôi lươn thương phẩm, nuôi lươn sinh sản, bán lươn giống là 180,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.
Hiện tại, trong bể nuôi lươn của ông Tùng còn lại 10.000 con lươn thương phẩm đã nuôi được 3 tháng và hơn 30.000 con lươn giống chuẩn bị xuất bán.
Ước tính trong năm 2024 ông Tùng sẽ thu nhập trên 200 triệu đồng và lợi nhuận mang lại trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi lươn thương phẩm, lươn giống.
Khu chuồng nuôi lươn sinh sản, bán lươn giống của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Ông Tùng chia sẽ: Thời gian nuôi lươn kéo dài gần 1 năm mới xuất bán, nguồn nước nuôi lươn phải trong, sau mỗi lần cho lươn ăn xong phải thay nước để luôn phát triển tốt, mỗi ngày cần phải thay nước từ 2-3 lần tùy vào từng thời điểm.
Trong quá trình nuôi lươn, đặc biệt là nuôi lươn sinh sản rất tỉ mỉ và rất cực do vậy nuôi lươn cũng cần phải có sự đam mê.
Với những kinh nghiệm nuôi lươn và kỹ thuật nuôi lươn, điều kiện nuôi sẵn có. Tiếp tục thời gian tới ông Tùng sẽ mở rộng nuôi luôn sinh sản để bán con giống và chủ động được nguồn lươn giống cho gia đình để nuôi lươn thương phẩm góp phần nâng cao thu nhập và lợi nhuận mang lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.