Cải cách hành chính của ngành nông nghiệp: “Ôm” dịch vụ công để thu tiền

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 28/07/2015 12:40 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện vẫn còn hơn 800 điều kiện được quy định trong các văn bản hiện hành của ngành nông nghiệp là bất hợp pháp.
Bình luận 0

Kiểm dịch thú y còn tới 5 ngày

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong số 20 đơn vị của ngành, hiện 2 đơn vị có nhiều thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới phí và các lệ phí vẫn là lĩnh vực bảo vệ thực vật và thú y. Tuy nhiên, nếu như lĩnh vực được coi là có tiến bộ vượt bậc trong cải cách các TTHC và giảm thiểu phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là bảo vệ thực vật thì lĩnh vực thú y lại là một trong những đơn vị cải cách TTHC chậm nhất.

img

Đóng dấu kiểm dịch lên gia cầm trước khi xuất ra thị  trường tại xã xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội.Ảnh:  Mạc Li

Cụ thể, đối với kiểm dịch thú y nhập khẩu, hiện thủ tục vẫn còn tới 5 ngày, trong khi lĩnh vực bảo vệ thực vật đã giảm từ 20 tiếng xuống chỉ còn 10 tiếng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để nhập khẩu thực phẩm về Việt Nam thì cứ hàng về tới cảng mới lấy mẫu kiểm dịch, chờ kết quả thường phải mất 5 ngày, chưa kể nếu vào những ngày cuối tuần thì có khi lên tới 7 ngày. Thời gian chờ kết quả kiểm dịch phải lưu container tại kho, phí thuê cảng mỗi ngày 200 USD/container trong kho lạnh, sau 5 ngày mỗi container đã mất thêm chi phí 1.000USD. “Thú y quy định, trước khi bán gà, phải đưa ra một khu để nuôi xem có vấn đề gì không? Gà người ta nuôi trong máy lạnh, các đồng chí đem ra chỗ riêng để nuôi có máy lạnh không? Có thức ăn không? Đó là quy định không sát thực tiễn. Tôi đề nghị phải sửa ngay” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói.

Cũng liên quan tới lĩnh vực thú y, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị bỏ 31 khoản phí kiểm dịch tại Thông tư 04 tới Bộ Tài chính. Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính còn có ý định muốn bỏ luôn các phí khác trong Thông tư 04. Tuy nhiên, hiện có nhiều khoản thu liên quan tới hoạt động của thú y cơ sở nên chưa thể bỏ cả thông tư. Ông Phạm Văn Hưng – Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NNPTNT) cho biết, ngân sách nhà nước chưa thế cấp đủ cho hoạt động của thú y cơ sở nên vẫn phải giữ lại một số phí, loại phí kiểm dịch nhưng trên tinh thần là cắt giảm 31 khoản phí Bộ NNPTNT đã đề nghị và tiếp tục rà soát thêm các loại phí khác không cần thiết để giảm tối đa cho doanh nghiệp và người dân.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong 5 năm (2011-2015) đã ban hành và trình các cơ quan thẩm quyền 323 văn bản, bình quân 72 văn bản/năm, trong đó có 3 luật là Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thú y, 21 nghị định, 281 thông tư của Bộ, trong đó một số văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, hiệu quả thực hiện còn thấp, chưa sát với thực tiễn.

“Ôm” dịch vụ công để… thu tiền

"Cải cách thủ tục hành chính trong nông nghiệp phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, các văn bản khi ban hành phải có tính thực tiễn cao giúp cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiệu quả, và phục vụ quá trình hội nhập của ngành”.
 Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT), năm 2012 thống kê giảm được 42 TTHC và tới nay cũng chưa có thống kê cụ thể do các đơn vị báo cáo còn chậm. Mặt khác, nhiều văn bản hướng dẫn chậm, mới chỉ giải quyết tình thế dẫn đến tình trạng khó triển khai, tính khả thi không cao, “Đề nghị các đơn vị trong quá trình xây dựng văn bản cần xâu chuỗi các nội dung có liên quan vào một văn bản, tránh có quá nhiều văn bản về một nội dung dẫn đến chồng chéo, không theo chuỗi và khó triển khai”- bà Kim Anh nói.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, hiện vẫn có tới hơn 800 điều kiện được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành là bất hợp pháp. Có những văn bản vừa ban hành đã phải thu hồi. Cần phải làm rõ xem đã đơn giản hoá TTHC thật hay chưa, hay cắt giảm ở chỗ này lại thêm cái mới ở chỗ khác. “Tinh thần chỉ đạo là cần xã hội hoá dịch vụ công nhưng tại sao nhiều đơn vị vẫn cứ “ôm” các dịch vụ không muốn xã hội hoá để thu tiền. Nói tới dịch vụ công, máy tính thì nhiều nhưng chỉ thấy chơi cờ, chơi game không thấy dịch vụ công đâu”- ông Phát nhấn mạnh.

 Để cải cách TTHC, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng cần phải tiến hành quyết liệt, phải cải cách ngay từ cán bộ, nếu không thanh tra, cần giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. “Không thể nào viết một bức thư chưa được 1 trang để Bộ trưởng trả lời mà mất tới 30 ngày; không thể nào văn bản gửi tới bộ một nửa năm sau vẫn chưa trả lời, nhân viên như vậy không thể chấp nhận được”- ông Phát nhấn mạnh. Ông Phát cũng yêu cầu, sau cuộc họp này, tất cả các lãnh đạo các cục, vụ phải có chữ ký điện tử để đi công tác vẫn làm việc được. Không vì lý do đi công tác hay bị ốm là phải đợi, đợi là mất tiền của doanh nghiệp và người dân.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem