Cái chết bí ẩn của vị Hoàng đế Trung Quốc nối nghiệp Chu Nguyên Chương

Vô Kỵ Thứ sáu, ngày 22/02/2019 18:31 PM (GMT+7)
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc, nguyên nhân dẫn tới cái chết của một vị hoàng đế thì nhiều vô kể. Có người sống thọ rồi băng hà theo đúng quy luật sinh lão bệnh tử. Có người bị chết bởi ám sát. Có người vì chìm đắm trong tử sắc mà chết yểu. Nhưng trong tất cả, có một Hoàng đế Trung Quốc, vào đời nhà Minh, thậm chí cho tới tận ngày nay, các sử gia cũng không thể xác định ông qua đời vào thời điểm nào và chết như thế nào.
Bình luận 0

Minh Huệ Đế (sinh 5.12.1377) là vị hoàng đế thứ hai của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Tên húy của ông là Chu Doãn Văn, còn gọi là Kiến Văn Đế. Minh Huệ Đế kế vị vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và cai trị nhà Minh từ năm 1398–1402.

Chính sách triệt phiên – cội nguồn cuộc lật đổ

Huệ Đế là con trai thứ hai của Ý Văn thái tử Chu Tiêu (1355 – 1382) với Lã Phi, tức cháu nội của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Ông là người hiếu học, thông tuệ. Do cha và anh trai trưởng mất trước khi Minh Thái Tổ qua đời nên ông được lập làm người kế vị vào tháng 9 năm 1392.

img

Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn.

Tháng 5 nhuận năm 1398, Minh Thái Tổ bệnh mất, Doãn Văn lên ngôi, lấy hiệu Minh Huệ Đế, đóng đô ở Nam Kinh. Huệ Đế sau đó thay đổi hàng loạt chính sách của ông nội như giảm bớt hình phạt nghiêm khắc, tha nhiều tù nhân và áp dụng chính sách triệt phiên nhằm tập trung quyền lực về trung ương.

Thời kỳ Minh Thái Tổ trị vì, để củng cố hoàng thất, ông đã phong cho con cháu làm phiên vương, nắm giữ binh quyền tại đất phong và đều có quân đội riêng để tự vệ. Do chính sách này, thế lực của các phiên vương rất lớn. Sau khi lên ngôi, Huệ Đế cho triệu các phiên vương về kinh để tiến hành bãi bỏ phiên vương.

Tháng 4 âm lịch năm 1399, Huệ Đế ép toàn bộ gia tộc Tương vương Bách phải tự thiêu chết, còn Tề vương Phù, Đại vương Quế bị giáng làm thứ nhân. Tháng 6 âm lịch giáng Mân vương Biền làm thứ nhân nhưng chưa động tới Yên vương Đệ - thế lực phiên vương mạnh nhất.

img

Minh Thành Tổ Chu Đệ.

Tuy nhiên, điều này đã làm cho Yên vương Chu Đệ lo sợ cho số phận của mình từ đó ủ mưu làm phản. Vì một số người con (Chu Cao Sí, Chu Cao Hú, Chu Cao Toại) còn ở Nam Kinh (một dạng giam lỏng) nên ngoài mặt Yên vương vẫn tỏ ra một lòng quy thuận Huệ Đế, mặt khác chờ cơ hội phát binh.

Qua một thời gian, Huệ Đế cho rằng Chu Đệ đã hoàn toàn thần phục nên cho phép các con Chu Đệ rời Nam Kinh. Tháng 7 âm lịch 1399, tại Bắc Kinh, Chu Đệ khởi binh làm phản. Do Huệ Đế lạm sát công thần khiến triều đình không còn nhiều người tướng tài đối địch với Chu Đệ, một người dày dạn kinh nghiệm chiến trường nên cán cân chiến sự chênh lệch thấy rõ.

Tháng 4 năm 1402, quân triều đình thua to tại Hoài Bắc, quân của Chu Đệ thừa thắng vượt qua sông Hoài Hà tiến về Trường Giang. Trong chiến sự, vai trò của Chu Cao Hú – một người con của Yên vương được Huệ Đế thả về – có đóng góp khá nhiều.

Minh Huệ đế có thực chết cháy tại Nam Kinh?

img

Minh Huệ đế có thực chết cháy tại Nam Kinh vẫn còn là bí ẩn.

Ngày 13 tháng 6 âm lịch năm 1402, quân Yên vương Chu Đệ tiến vào Nam Kinh, qua cửa Kim Xuyên tiến vào phủ Ứng Thiên nhưng không bắt sống được Huệ Đế. Kinh thành bốc cháy ngùn ngụt trong cuộc tấn công của Yên vương.

Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kinh và dập tắt hỏa hoạn. Yên vương trưng ra 3 thi thể bỏng  nặng không thể định rõ nhân dạng từ đống tro tàn và tuyên bố đây là xác của Huệ Đế, Hoàng hậu và thái tử.

Huệ Đế và người nối dõi mặc nhiên “được” coi là đã chết nên Yên Vương Chu đệ tự phong Đế cho mình, lấy hiệu Minh Thành Tổ, hay còn gọi là Vĩnh Lạc Đế. Sau khi lên ngôi, Lạc Đế ra lệnh phá hủy toàn bộ hồ sơ, văn tự, ghi chép liên quan đến Huệ đế, tiến hành một cuộc thanh trừng tòa bộ những người liên quan đến vị vua tiền nhiệm,  nhằm mục đích xóa sạch những vết tích liên quan đến triều đại của Huệ đế.

Nhưng Huệ đế có thực sự chết cháy trong trận chiến tháng 6.1402 hay không thì ngay cả các sử gia danh tiếng nhất sau này cũng không ai dám khẳng định. Có thuyết nói rằng Kiến Văn Đế tự thiêu trong cung cấm. Lại có thuyết nói rằng ông bỏ trốn, cạo đầu làm sư, đi tu mai danh ẩn tích.

img

Lật lại những ghi chép còn lưu giữ, thì trước khi quân Yên vương tràn vào Nam Kinh, một Hoạn quan thân tín đã khuyên Huệ Đế nhanh chóng thu xếp rời kinh thành thay vì nghe lời ở lại cố thủ chờ viện binh của Đại thần Hà lâm viện thị Phương Hiếu Nhụ.

Rất có thể, Huệ Đế đã nghe theo lời của người này mà cao chạy xa bay, tới ẩn náu ở tận Vân Nam trước khi cung Ứng Thiên bị quân Yên vương phóng hỏa. Theo đó, 3 thi thể chết cháy mà Yên vương khẳng định là Huệ đế, Hoàng hậu và Thái tử, là một tay do người sau này trở thành Vĩnh Lạc Đế ngụy tạo.

Các sử gia dương đại đa phần ủng hộ giả thuyết trên và tin rằng Huệ Đế không hề chết cháy trong vụ hỏa hoạn cung Ứng Thiên. Bên cạnh đó, cũng tồn tại truyền thuyết cho rằng Huệ Đế lưu lạc qua nhiều nước lân cận nuôi chí lớn giành lại ngôi vị.

Huệ Đế, được cho là từng trở về Nam Kinh thì tuổi đã lục tuần, chí lớn giành lại thiên hạ cũng đã nguội, nên quyết định trở thành một nhà tu hành chu du thiên hạ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem