Cái khó của ông Cao Đức Phát!

Lê Hân Chủ nhật, ngày 03/04/2016 19:00 PM (GMT+7)
Cơ chế quản lý vấn đề VSATTP ở nước ta hiện nay có liên quan đến nhiều bộ ngành, vậy nên một mình Bộ NNPTNT thì sẽ không làm hết được. Đó cũng là cái khó của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Bình luận 0

Vào cuối phiên thảo luận trên hội trường Quốc hội ngày 1.4 vừa qua, trong rất nhiều vấn đề về tình hình nông nghiệp, nông thôn mà ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề cập đến, có một vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân cả nước quan tâm, đó là Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ông Phát đã có một phát biểu làm dư luận cả nước dậy sóng, đó là: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”.

img

Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Tuổi trẻ.

Ngay sau lời phát biểu này, ông đã chịu hàng loạt búa rìu dư luận, từ các trang báo điện tử, cho đến các trang mạng xã hội. Và như để làm rõ những băn khoăn của dư luận về phát biểu của mình, chiều 3.4, trả lời với báo chí, ông Phát đã chân thành nhận lỗi không diễn đạt rõ ràng trước Quốc hội và gửi lời xin lỗi tới nhân dân vì lời phát biểu chưa đầy đủ ý đó. Ông cũng kể về gia đình mình đã có người bị ung thư và mất vì căn bệnh quái ác… “Người nhà” đó không ai khác chính là người vợ thân yêu đã gắn bó suốt hơn 30 năm với ông.

Là người đã từng tham dự nhiều cuộc họp chỉ đạo về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì, tôi đã được chứng kiến rất nhiều lần ông Phát bày tỏ sự bức xúc trước vấn đề này. Đã nhiều lần ông gay gắt bắt các cơ quan chức năng thuộc Bộ phải vào cuộc làm rốt ráo vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Nhiều lần ông cũng phải thốt lên: “Hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm chính là tội ác cần lên án”. Trong lần trả lời phỏng vấn với NTNN mới đây, ông Phát cũng thừa nhận, 1 trong 2 vấn đề mà ông còn nợ nhân dân trong 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng của mình, đó chính là vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chính vì thế cá nhân ông luôn coi đây là nhiệm vụ số 1 phải thực hiện của toàn ngành NNPTNT.

Ở góc độ quản lý của mình, tôi được biết, ông Phát luôn trăn trở về vấn đề VSATTP, ông đã thường xuyên cho tổ chức các cuộc họp về ATTP với tần suất 1 tháng/lần, có khi 2 tuần/lần, chưa kể các đợt cao điểm.

Đơn cử như đợt “đánh” chất cấm Salbutamol vừa qua, nếu không có sự quyết liệt của Bộ NNPTNT, thì việc ngăn chặn nhập khẩu chất cấm này là rất khó khăn (do đây vẫn là loại chất được Bộ Y tế cho nhập). Và cũng chính Bộ NNPTNT, cùng với C49 Bộ Công an đã kiến nghị rất nhiều lần và giúp Quốc hội kịp thời bổ sung việc xử phạt hành vi sử dụng chất cấm vào khung hình sự theo điều 317 của Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016).

Theo cơ chế quản lý về vấn đề VSATTP hiện nay của nước ta kể từ khi áp dụng Luật An toàn thực phẩm 2010, việc quản lý VSATTP thuộc trách nhiệm của 3 Bộ: NNPTNT (từ khâu sản xuất đến tiêu thụ), Y tế (tại bàn ăn) và Công thương (lưu thông). Bởi thế, có thể thấy nếu chỉ một mình Bộ, ngành nào làm cũng không thể quản lý hết được vấn đề này, mà đòi hỏi các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Đó cũng là cái khó của ông Phát nói riêng và của ngành NNPTNT nói chung!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem