Cải thiện đời sống cho người trồng rừng

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ sáu, ngày 28/11/2014 09:31 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp đã đóng góp rất lớn cho khu vực nông thôn, miền núi. Đời sống của các hộ dân trồng rừng được nâng cao, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Nhìn lại 55 năm qua, Thứ trưởng đánh giá thế nào về những thành tựu mà ngành lâm nghiệp đã đạt được?

- Trong 55 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt là khu vực nông thôn miền núi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng. Cụ thể, độ che phủ rừng đã tăng liên tục từ 28% năm 1992 lên 41% vào đầu năm 2014; số vụ vi phạm các quy định của pháp luật giảm dần; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ được tăng cường. Đáng chú ý là giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, đời sống người làm nghề rừng được cải thiện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cà Mau có thu nhập tăng cao từ rừng trồng thâm canh, có hộ đạt 150 - 250 triệu đồng/ha sau 6 - 10 năm, có thể làm giàu từ trồng rừng.

img

Anh Phạm Văn Nga (xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) thu hoạch cây keo giống, phục vụ cho công tác phát triển rừng của địa phương và các tỉnh miền Trung. Ảnh: L.H.T


Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang trở thành nguồn tài chính quan trọng của ngành lâm nghiệp, tạo nguồn thu cho các hộ gia đình hàng năm tham gia bảo vệ gần 4 triệu ha rừng. Chương trình hợp tác quốc tế về lâm nghiệp cũng tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Theo đó ngành đã hợp tác với 19 đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế, trong đó có 2 công ước và nhiều hiệp định, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

 

Bên cạnh những kết quả trên, theo ông ngành lâm nghiệp còn những tồn tại, khó khăn gì?

Quan điểm
img
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn
 Sau 1 năm triển khai đề án tái cơ cấu, ngành cơ bản kiểm soát được giống, với 70% nguồn giống được kiểm soát. Hiện, 95% khâu chế biến do tư nhân đảm nhận, 90% rừng trồng là ngoài quốc doanh”. 
 
- Ngoài những thành quả đạt được như trên, ngành lâm nghiệp cũng còn nhiều tồn tại và đang đối mặt với khó khăn thách thức lớn trước yêu cầu tái cơ cấu, phát triển bền vững. Cụ thể là tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở một số địa phương; năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo). Rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến.

 

Mặt khác, giá trị gia tăng của rừng còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha rừng trồng mới đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% tổng thu nhập của hộ nông dân miền núi.

Đặc biệt là năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 50% so với Philippines, 40% so với Trung Quốc và 20% so với các nước EU; chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém cạnh tranh; thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành hệ thống phân phối, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phổ biến…

Để giải quyết những tồn tại này, ngành lâm nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu với 4 kế hoạch hành động đã được Bộ NNPTNT phê duyệt. Xin ông cho biết, sắp tới Bộ có những giải pháp gì để tái cơ cấu có chuyển biến rõ trên thực tiễn?

- Ngoài 4 kế hoạch đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, hiện Bộ cũng đang tập trung giải quyết tốt những vấn đề cụ thể khác như cho vay trồng rừng gỗ lớn với lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ cây trồng, chế biến sâu; quản lý rừng bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế; khôi phục, phát triển rừng ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết, hợp tác chuỗi theo mô hình "cánh rừng lớn", "liên kết bốn nhà"; miễn, giảm tiền thuê đất, thuế tài nguyên; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh giao, cho thuê rừng và thực hiện phương thức đồng quản lý rừng...

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị trường tín chỉ cacbon để tạo nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng; ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng, công nghệ chế biến sau dăm gỗ và sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu; nâng cao vai trò, trách nhiệm và điều kiện làm việc cho kiểm lâm địa bàn xã...

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành lâm nghiệp Việt Nam (28.11.1959–28.11.2014), Thứ trưởng nhắn gửi điều gì tới những người lao động trong ngành đang ngày đêm đóng góp công sức giữ gìn màu xanh cho đất nước?

- Nhân dịp này, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới những người mà cuộc sống đã và đang gắn bó với sự nghiệp lâm nghiệp; qua đó, chúng ta hiểu sâu sắc hơn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tích cực chia sẻ những kinh nghiệm quý, chung tay xây dựng ngành lâm nghiệp tiên tiến, tiếp cận nhanh với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu lâm sản sẽ đạt 5 tỷ USD, nhưng dự kiến năm nay sẽ đạt 6,2 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Ngành lâm nghiệp sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem