Cải thiện tình trạng lão hóa bằng liệu pháp "ma cà rồng"?

Thứ tư, ngày 07/05/2014 18:48 PM (GMT+7)
Những nghiên cứu mới đây trên chuột cho thấy, những con chuột già trở nên khỏe mạnh hơn và có hệ thần kinh được cải thiện sau khi được truyền máu từ những con chuột non hơn.
Bình luận 0
Kết quả của những nghiên cứu này được hy vọng là sẽ mở đường cho những nghiên cứu sâu hơn giúp cải thiện tình trạng lão hóa.

img
Mô hình 3D mô tả mạch máu chuột già phát triển hơn sau khi được tiêm máu chuột trẻ. (Nguồn: AP)

Saul Villeda, tác giả của nghiên cứu thuộc đại học California (San Francisco) đã tiến hành thí nghiệm trên những con chuột tương đương với người ở độ tuổi 20 và 60. Nhóm nghiên cứu liên tiếp tiêm cho những con chuột già máu của những con chuột già khác hoặc máu của những con chuột non hơn.

Những con được tiêm máu chuột non có biểu hiện tốt hơn khi kiểm tra trí nhớ và khả năng nhận thức. Ví dụ, chúng nhớ được đường về một cái bục bị che khuất trong một mê cung tốt hơn so với những con được tiêm máu chuột già.

Thí nghiệm với chuột. (Nguồn: Daily mail)
Thí nghiệm với chuột. (Nguồn: Daily mail)

Villeda cho biết nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu thứ gì trong máu chuột non tạo ra sự khác biệt này.

Hai nghiên cứu khác từ đại học Harvard lại tập trung vào một loại protein gọi là GDF11 dồi dào trong máu chuột non hơn chuột già. Amy Wagers, người tham gia vào cả hai nghiên cứu cho biết loại protein này cũng có trong máu người và cũng suy giảm khi con người già đi.

Mô hình 3D máu chuột non. (Nguồn: AP)
Mô hình 3D máu chuột non. (Nguồn: AP)

Các nhà khoa học của Harvard cũng phát hiện ra việc tiêm máu chuột non vào chuột già khiến các mạch máu trong não phát triển và giúp máu lưu thông hơn.

Việc tiêm GDF11 cũng có tác dụng tương tự. Lee Rubin, một tác giả nghiên cứu cho biết những kết quả này có thể giúp những nghiên cứu sau tìm ra cách chữa trị những bệnh thần kinh liên quan đến tuổi tác, thậm chí có thể chữa được cả chứng suy giảm trí nhớ ở người.

Mô hình 3D máu chuột già. (Nguồn: AP)
Mô hình 3D máu chuột già. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên cả Wagers và Villeda đều cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu GDF11 có phải là lời giải thích cho kết quả nghiên cứu của Villeda hay không. Wagers cũng cho rằng có thể có những chất khác trong máu có thể làm được điều này.
Vietnam+ (Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem