Tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo của Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia.
Bộ Quốc phòng Nhật đang xem xét khả năng mua tiêm kích tàng hình F-35B để triển khai trên các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, đánh dấu sự thay đổi về chính sách quốc phòng của Nhật Bản, nước vốn bị cấm sở hữu các tàu sân bay tấn công. Tuy nhiên, những chiến hạm này cần phải được hoán cải đáng kể nếu muốn vận hành tiêm kích F-35B, theo Popular Mechanics.
Chiến hạm lớp Izumo được Nhật xếp vào nhóm khu trục hạm chở trực thăng, dài 248 m, có lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn, thường mang theo 9 trực thăng và có thể tăng lên 14 chiếc. Hai tàu JS Izumo và JS Kaga thuộc lớp này đều đóng vai trò nòng cốt trong biên đội tàu khu trục hộ tống, có nhiệm vụ tìm và diệt tàu ngầm đối phương.
Tàu chiến lớp Izumo có sàn đáp kéo dài dọc thân, được trang bị thang nâng phi cơ, thượng tầng dạng tháp và nhà chứa máy bay cỡ lớn trong thân, không khác gì các tàu sân bay thực thụ của Mỹ.
Trên lý thuyết, chúng có thể tiếp nhận tiêm kích tàng hình F-35B với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn (V/STOL). Tuy nhiên, các tàu sân bay trực thăng Nhật không có cầu nhảy để hỗ trợ máy bay cất cánh, cũng như chỉ có một thang nâng đủ lớn để vận chuyển tiêm kích F-35B và trực thăng lai MV-22 Osprey.
Máy bay F-35B thử nghiệm hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay
Trong trường hợp Tokyo quyết định trang bị tiêm kích F-35B, những chiếc lớp Izumo sẽ phải quay lại nhà máy đóng tàu Yokohama để hoán cải. Sàn đáp cần phủ thêm lớp vật liệu chống nhiệt mới, chịu được sức nóng từ luồng xả động cơ tiêm kích F-35B khi cất hạ cánh thẳng đứng.
Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx ở mũi tàu sẽ phải tháo bỏ vì chiếm diện tích lớn, có thể cản trở quá trình cất cánh và đe dọa an toàn bay của phi đội F-35B.
Khoang chứa máy bay trong thân tàu cũng cần dành khoảng không gian bố trí nhiên liệu và vũ khí cho tiêm kích F-35B, bao gồm tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder và tầm trung AIM-120 AMRAAM, cũng như bom thông minh JDAM.
Ngoài ra, tàu khu trục trực thăng Nhật cũng cần tích hợp thêm Hệ thống Thông tin Hậu cần Tự động (ALIS) để điều phối việc sửa chữa cho phi đội F-35. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến không gian trong thân tàu bị thu hẹp đáng kể, giảm số lượng tiêm kích F-35B mang theo.
Tàu JS Izumo cần nhiều cải tiến nếu muốn vận hành tiêm kích F-35B. Ảnh: CIMSEC.
Việc hoán cải lớp Izumo thành tàu sân bay dự kiến rất phức tạp, tốn thời gian và tiền của. Phiên bản Izumo cải tiến chỉ có thể mang theo tối đa 10 tiêm kích F-35B với chi phí khoảng 1,4 tỷ USD. Tổng chi phí cho việc nâng cấp hai tàu lớp Izumo sẽ chạm ngưỡng 4 tỷ USD, tương đương 5% ngân sách quốc phòng Nhật Bản.
Đây là mức tiền quá lớn chỉ để triển khai 20 tiêm kích F-35B trên biển, trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản cao gấp đôi quy mô nền kinh tế và ngân sách quốc phòng chỉ đạt mức 1% GDP. Tuy nhiên, Tokyo gần như không có lựa chọn khác, do nước này đang lo ngại việc Trung Quốc nhiều lần điều tiêm kích và oanh tạc cơ bay qua mũi phía nam Nhật Bản, cũng như vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Bắc Kinh có hàng loạt căn cứ không quân lớn ở hai khu vực này và đang đẩy mạnh việc xây dựng các cụm tàu sân bay chiến đấu. Trong khi đó, Tokyo chỉ sở hữu một căn cứ không quân kiêm sân bay dân sự trên đảo Okinawa, không có tàu sân bay thực thụ nào.
Giới chuyên gia nhận định các tiêm kích F-35B sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Nhật tại những hòn đảo xa xôi phía tây nam, nơi vốn chỉ có các đường băng ngắn. Tuy nhiên, hiến pháp Nhật Bản vẫn cấm nước này sở hữu tàu sân bay. Nhiều khả năng những chiếc Izumo trang bị tiêm kích F-35B sẽ chỉ phục vụ mục đích phòng thủ, bảo vệ không phận nước này, chuyên gia Kyle Mizokami nhấn mạnh.
Duy Sơn (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.