Bưởi Diễn bị “gán” danh vô tội vạ
Bưởi Diễn là một loại cây đặc sản được trồng tại làng Đức Diễn, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Theo cụ Vũ Văn Giang (80 tuổi), mặc dù bưởi Diễn được nhân trồng ra một số xã lân cận, nhưng chất lượng không thể bằng bưởi ở chính đất Diễn. Bởi theo ông cây bưởi Diễn rất kén đất, phải là đất thịt nặng và đất sét có độ phì nhiêu cao, thân đất phải cao, thoáng, dễ thoát nước.
|
Một vườn bưởi Diễn hiếm hoi còn lại ở Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. |
Hỏi về nhận dạng, đặc điểm của bưởi Diễn, cụ Giang cho biết: “Bưởi Diễn cây sai cũng chỉ độ 100 – 200 quả/vụ, quả chỉ độ bằng cái bát con, càng chín màu vỏ càng chuyển sang màu vàng sẫm, trong nhà chỉ cần để một quả bưởi thì nhà lúc nào cũng thơm. Bưởi có vị ngọt đậm, tép màu vàng tươi, khi bóc bưởi rất dính”.
Bưởi Diễn ngon và nổi tiếng là thế, nhưng nay đến Phú Diễn và Xuân Phương (xã kế bên), chỉ còn lại lác đác vài vườn bưởi manh mún. Ông Nguyễn Văn Cương- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Diễn cho hay: “Hiện xã chỉ còn khoảng 10ha bưởi Diễn (giảm gần 70%), nhưng chủ yếu là bưởi vài năm tuổi đến hơn chục tuổi và cũng đã lai tạo nhiều, chứ bưởi cổ, bưởi gốc vài chục năm tuổi chắc chỉ còn độ vài trăm cây.
Giải thích về việc sụt giảm diện tích bưởi, ông Cương cho hay, những năm gần đây do phát triển đô thị, nhiều diện tích bưởi đã phải nhường chỗ cho nhà ở. Ông Cương cũng thừa nhận: Bưởi Diễn đang mất dần đi thương hiệu của mình.
Ngoài việc diện tích giảm, năng suất giảm… dẫn đến không đủ cung cấp cho thị trường, nhiều thương lái hám lợi đã lấy bưởi giống Phú Diễn rồng ở vùng khác về “gán” cho là bưởi Diễn để “lòe” người tiêu dùng kiếm lời. Hiện nay, giống bưởi Diễn đã được đưa đi trồng khắp nơi, nhưng do chất đất, khí hậu… không phù hợp cũng đang làm giảm đi chất lượng, thương hiệu của bưởi Diễn.
Đã có một thời, ông Vũ Văn Quang ở xóm Đông, thôn Đức Diễn có lúc sở hữu tới 300 gốc bưởi, nhưng nay chỉ còn khoảng 200 cây, trong đó có 60 cây từ 20 – 60 năm tuổi.
Ông Quang nói: “Bưởi Diễn mất dần thương hiệu, mất dần gốc là do thương mại hóa. Khoảng cuối năm 1998 đến đầu năm 2000, khi phong trào trồng bưởi Diễn rộ lên, nhiều người đã tự chiết, ghép cành để bán. Đây chính là mấu chốt dẫn đến bưởi Diễn bị thoái hóa, mất đi những đặc tính, đặc trưng của nó. Một nguyên nhân nữa là do Nhà nước chưa có sự đầu tư nghiên cứu, phục tráng, mà chủ yếu là do người dân tự chiết cành để trồng”.
Nhân giống tràn lan
Cũng như bưởi Diễn, cam Canh ở làng Canh, xã Xuân Phương (Từ Liêm) cũng đã trở thành đặc sản của Hà Nội, bởi chính chất lượng, đặc trưng của loại cam đường.
Bây giờ ở Bắc Giang, Hưng Yên… đâu đâu cũng thấy trồng bưởi Diễn, nhưng thực chất chỉ là giống bưởi Diễn lai. Theo ông Cương, bưởi Diễn “xịn” to lắm chỉ độ 1kg/quả, không có bưởi Diễn 2 – 2,5kg/quả mà thương lái vẫn bán vào dịp Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Cường - người đã nhiều năm gắn bó với cây cam Canh cho biết: “Cam Canh vỏ mỏng, bóng mịn, màu đỏ gấc, quả to, múi nhiều nước, vị ngọt đặc trưng và rất thơm.
Những năm trước, cứ giáp tết là thương lái kéo về nườm nượp thu mua. Mặc dù giá cao gấp đôi, gấp rưỡi cam khác nhưng nhiều người rất thích, tìm mua bằng được. Nhiều cơ quan nhà nước, công ty… cũng về đặt mua làm quà”.
Ông Cường tâm sự: “Tiếng cam Canh thì vẫn còn đấy, nhưng chất và lượng của cam Canh thì không còn nữa. Người dân đã phá bỏ hết vườn để làm nhà, rồi trồng các cây hoa màu khác. Cam Canh rất khó tính. Đất, nước, không khí ô nhiễm là cây “tịt” không ra quả. “Ở làng Canh chỉ còn vài người trồng, cam Canh bây giờ “du ngoại” sang các vùng khác hết rồi. Cứ đà này chỉ một vài năm nữa, cam Canh chỉ còn lại cái… tên gọi”.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.