Cám cảnh tình trạng "đi không nỡ, ở lo sông... nuốt nhà"

Hữu Ký Thứ tư, ngày 11/05/2016 16:00 PM (GMT+7)
Vẫn còn hàng ngàn hộ dân TP.HCM đang sống tạm bợ, nguy hiểm bên kênh rạch, mặc dù những năm qua chính quyền thành phố đã tập trung đẩy mạnh việc di dời những hộ trong diện này. Trong đó, huyện Nhà Bè được xem là điểm “nóng” khi còn nhiều nhà dân sinh sống trong khu vực cảnh báo sạt lở.
Bình luận 0

Còn 1m nữa là… mất nhà

Dọc theo các bờ sông Kinh Lộ, sông Mương Chuối, rạch Giồng, rạch Vộp, rạch Dơi... hiện có hàng trăm căn nhà sát bên bờ, trong đó có nhiều hộ sống tạm bợ. Bà Nguyễn Thị Tám - nhà bên sông Kinh Lộ (ấp 3, xã Hiệp Phước) cho biết, khu vực nhà bà ngày càng bị nước ăn sâu vào và đã “cướp” đi hàng trăm mét đất.

“Nhà tôi liên tục phải dời vào trong nhưng đến nay bờ sông vẫn ăn sát căn nhà” - bà Tám nói. Trước đây do sạt lở nặng nên nhà bà đã phải ra thuê bên ngoài ở trọ 3 tháng nhưng sau đó buộc phải  quay về ở lại vì không có điều kiện chuyển đi chỗ khác.

img

Một vụ sạt lở làm nhà dân đổ xuống sông ở xã Hiệp Phước (Nhà Bè) năm 2014. Ảnh: H.K

Tương tự, nhiều nhà dân sát bên bờ sông kinh Lộ hiện cũng đang trong tình cảnh đi không nỡ, ở không xong. Tại đây, nước ngày càng lấn sâu vào sát nhà - có nơi cách còn 1m, nên bà con luôn thấp thỏm lo sợ, nhất là khi mùa mưa - mùa sạt lở sắp đến gần.

Tương tự, xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) còn khá nhiều nhà dân vẫn nằm sát ven sông. Đáng lo ngại hơn, tại xã có nhiều điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở nên người dân sống ven sông rất lo ngại.

Anh Lê Văn Nam - một người dân trong khu vực cho biết, thành phố đã có quyết định xây dựng bờ kè chống sạt lở dài 120m tại khu vực, kinh phí khoảng 26 tỷ đồng, nhằm ổn định cuộc sống cho hơn 100 nhà dân trong khu vực, nhưng chưa biết bao giờ dự án này được đưa vào sử dụng. Nhiều người dân tại đây cũng cho biết, họ mong muốn công trình chống sạt lở sớm được đưa vào sử dụng để yên tâm sinh sống.

Gian nan di dời

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay thành phố vẫn còn gần 20.000 căn nhà ven sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, việc giải tỏa các ngôi nhà ven kênh rạch rất khó khăn bởi số lượng lớn, cần có kinh phí cũng như quỹ đất để thực hiện đi kèm với các chính sách đền bù, tái định cư.

Theo chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, TP.HCM đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành di dời, giải tỏa khoảng 20.000 căn nhà ven kênh, rạch. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 sẽ di dời, giải tỏa khoảng 9.800 căn, số còn lại sẽ hoàn thành sau năm 2020.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, việc hình thành các khu dân cư tự phát, nhà lụp xụp ven các kênh rạch một phần do công tác quản lý chưa được quan tâm trong thời gian dài trước đây. Trong hơn 20 năm qua (từ năm 1993), thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch. Hiện thành phố vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này.

Theo Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, trong năm 2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 2.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch. Trong đó, có 586 căn thuộc 8 dự án đang thực hiện dở dang ở các quận 4, 7, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân; 1.832 căn thuộc 4 dự án đã có chủ trương đầu tư, triển khai trong năm 2016 ở các quận 5, 6, 8, Tân Phú, Bình Thạnh…

PGS-TS-KTS Phạm Tứ - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng, đa số hộ dân cư trú trên kênh rạch đều là hộ nghèo nên rất cần thành phố hỗ trợ. Theo ông Tứ, thành phố đã di dời được khoảng 30.000 hộ dân sống ven kênh rạch giúp cảnh quan tốt hơn, môi trường tốt hơn. Nhưng những hộ di dời đó nay sống ở đâu, đời sống như thế nào thì ít được xã hội quan tâm. Vì vậy, ông Tứ cho rằng cùng với việc di dời, giải tỏa nhà ven kênh rạch, thành phố cũng cần chăm lo tốt cho cuộc sống của người dân sau khi bị giải tỏa. Bởi họ xứng đáng được hưởng thụ công bằng lợi ích do việc cải tạo, chỉnh trang đô thị đem lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem