TIN NÓNG 24H QUA: Bà trùm Oanh "Hà" phủ nhận cáo buộc; tin mới vụ người phụ nữ bán tạp hóa bị đánh
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Bà trùm Oanh "Hà" phủ nhận cáo buộc; tin mới vụ người phụ nữ bán tạp hóa bị đánh
A.Đ (T/H)
Thứ năm, ngày 26/12/2024 06:00 AM (GMT+7)
Bà trùm ma túy Oanh "Hà" phủ nhận cáo buộc tại phiên xử; thông tin mới vụ người phụ nữ bán tạp hóa bị đánh ở TP.HCM; phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không... là những tin nóng 24 giờ qua.
Chiều 25/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án liên quan đến Vũ Hoàng Oanh (67 tuổi, còn gọi là Oanh "Hà") cùng 34 bị cáo khác với các tội danh: Mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Là người cuối cùng được thẩm vấn, bị cáo Vũ Hoàng Oanh, được xác định là chủ mưu và cầm đầu đường dây ma túy lớn xuyên quốc gia, đã thể hiện thái độ bức xúc, nhiều lần bị chủ tọa nhắc nhở phải giữ bình tĩnh.
Theo cáo trạng, bà Oanh cùng các đồng phạm đã tổ chức vận chuyển và mua bán hơn 626kg ma túy trong giai đoạn từ 2019 đến 2022.
Bị cáo Vũ Hoàng Oanh, tức Oanh "Hà". Ảnh: C.H.
Bà Oanh khẳng định mình không thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc. Bị cáo khai rằng đã bị đột quỵ từ năm 2018 và ở Campuchia cho đến khi bị bắt, đồng thời cho rằng các đồng phạm đang đưa ra lời khai không đúng sự thật.
Bị cáo Oanh nói mình không bị truy nã do đã đi ra nước ngoài trước năm 2018. Đồng thời, bà khai một số đồng phạm đã bị tòa tuyên án tử hình là bảo vệ cho sòng bạc của mình tại Campuchia.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: C.H.
Năm 2018, đường dây ma túy do bà Oanh điều hành đã bị Bộ Công an triệt phá, dẫn đến việc bà trốn thoát và bị truy nã quốc tế. Sau khi xét xử, năm đồng phạm của bà đã bị tuyên án tử hình.
Tại tòa, nhiều đồng phạm khai rằng họ đã thực hiện giao, nhận ma túy theo chỉ đạo từ bà Oanh. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận tất cả lời khai này và khẳng định biết rõ động cơ của các lời khai nhằm buộc tội mình. Ngay lập tức, "bà trùm" bị chủ tọa nhắc nhở về thái độ và yêu cầu về chỗ.
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2019 đến 2022, Oanh "Hà" đã chỉ đạo đường dây vận chuyển, mua bán ma túy từ Campuchia về các tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Nhóm này sử dụng mạng xã hội Signal, các biệt danh như "Colombia" hay "Mosscau", và đầu số nước ngoài để liên lạc, nhằm che giấu hoạt động phi pháp. Việc thanh toán trong đường dây này được thực hiện thông qua các tài khoản trung gian, với số tiền giao dịch lên đến 1.400 tỷ đồng.
Đây được xác định là một tổ chức tội phạm ma túy có quy mô đặc biệt lớn, hoạt động trong thời gian dài và có tính chất xuyên quốc gia.
Thông tin mới vụ người phụ nữ bán tạp hóa bị đánh ở TP.HCM
Liên quan vụ đối tượng L.V.T.N xông vào tiệm tạp hóa hỏi mua dao, bất ngờ đấm liên tục vào nữ chủ quán tạp hóa là chị N.T.M.C ngày 16/12 tại đường Kênh Tân Hóa, quận Tân Phú, TP.HCM, trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 25/12, lãnh đạo Công an quận Tân Phú cho biết, hiện cơ quan công an đang chờ kết quả giám định thương tích của nạn nhân, sẽ cương quyết xử lý nghiêm sau khi có kết quả.
Cảnh sát quận Tân Phú dựng lại hiện trường vụ đối tượng L.V.T.N bất ngờ đánh đập nữ chủ quán tạp hóa. Clip: Chinh Hoàng
Mặc cho nữ chủ tiệm tạp hóa N.T.M.C kêu la, đối tượng L.V.T.N vẫn hung hãn đấm liên tục vào phần đầu của người này, khiến những ngày qua chị luôn sống trong sợ hãi. Clip: M.X.H
Lãnh đạo Công an quận Tân Phú cũng cho biết thêm, đối tượng N. được tại ngoại về nhà, chờ kết quả xử lý.
Cùng ngày, chia sẻ với phóng viên, chị C - nạn nhân bị đánh túi bụi trong video clip nói sau vụ việc, người nhà của N muốn "thương lượng" để bãi nại, rút đơn tố cáo, nhưng chị C cương quyết không đồng ý vì nếu bãi nại sẽ cảm thấy có lỗi với bản thân, với người thân và có lỗi với cộng đồng mạng đã thương xót cho ba mẹ con.
"Tôi cũng đang lo lắng, hiện đối tượng đánh tôi đã được tại ngoại, không biết có quay lại trả thù gia đình tôi không...", chị C nói và lặp lại: "Cương quyết không bãi nại".
Trước đó, tại cơ quan công an, đối tượng N khai, trước đó có ngồi nhậu chung với một số người gần tiệm tạp hóa của chị C. Do bị chị C mắng nên tức giận, gây ra hành động thiếu kiểm soát.
Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
Ngày 25/12, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã khởi tố đối tượng Lê Tiến Đức (sinh năm 2003, trú tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) về hành vi vận chuyển trái phép 2kg ma túy.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ các nước châu Âu về Việt Nam tiêu thụ thông qua đường hàng không để phân phối cho các đối tượng bán lẻ. Đường dây này do đối tượng Lê Tiến Đức (sinh năm 2003) cầm đầu.
Trước tình hình nói trên, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Diễn Châu xác lập chuyên án, huy động lực lượng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập trung triệt xóa.
Quá trình đấu tranh, Ban Chuyên án gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi như: Ma túy đưa về Việt Nam được chia nhỏ để trộn lẫn trong các kiện hàng mỹ phẩm nhằm tránh sự phát hiện khi kiểm tra an ninh; các kiện hàng đề tên người nhận bất kỳ chứ không đề tên đối tượng; quá trình giao dịch được thực hiện qua ứng dụng mạng xã hội (telegram, viber…) có độ bảo mật cao; các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm giao nhận “hàng”...
Sau khi nắm được thông tin đối tượng sẽ gửi một lô hàng bên trong chứa lượng lớn ma túy tổng hợp từ các nước châu Âu về Việt Nam thông qua đường hàng không; sau khi thông quan, hàng hóa sẽ được ký gửi vận chuyển về Nghệ An thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, xác định thời cơ đã đến, Ban Chuyên án triển khai kế hoạch phá án.
Theo đó, khoảng 22 giờ ngày 14/12/2024, tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Công an huyện Diễn Châu bắt đối tượng Lê Tiến Đức đang trên đường vận chuyển các kiện hàng hóa (dầu gội đầu, kem xả, kem ủ tóc...), bên trong chứa 2 kg ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc để đưa về nhà cất giấu chờ tiêu thụ.
Quá trình bắt giữ, Đức chống trả quyết liệt và định quay đầu xe bỏ chạy. Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, Tổ công tác đã nhanh chóng khống chế, bắt gọn đối tượng.
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu, Lê Tiến Đức khai báo gian dối nhằm chối tội, tuy nhiên trước những chứng cứ thuyết phục, đối tượng đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, số ma túy nói trên của các đối tượng người Việt Nam, sống và làm việc tại các nước châu Âu gửi về cho Lê Tiến Đức để tiêu thụ.
Mở rộng điều tra, đến ngày 17/12/2024, Công an huyện Diễn Châu bắt đối tượng Nguyễn Thị Thương (sinh năm 2000, trú tại phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; thu giữ 18,98 gram ma túy đá và 2,5 gram ma túy tổng hợp.
Hiện, chuyên án đang được điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an thông tin việc triệu tập Hồ Quốc Thân và 7 nhân viên liên quan vụ lừa đảo bằng "đồng tiền số QFS"
Ngày 25/12, Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán đồng QFS.
Công an TP.Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố đã phát hiện Công ty Triệu nụ cười (trụ sở tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán đồng QFS (được các đối tượng gọi là tiền lượng tử) cho người dân.
Trước diễn biến này, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP.Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo Công an thành phố để phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tập trung công tác điều tra, xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật.
Sáng 24/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội thi hành lệnh khám xét trụ sở Công ty CP Triệu nụ cười của Hồ Quốc Thân (SN 1992, trú tại LP3, SL34 KĐT Vinhomes Thăng Long, khu đô thị Nam An Khánh, xã Anh Khánh, huyện Hoài Đức - Tổng giám đốc Công ty Triệu nụ cười).
Hàng trăm nhà đầu tư đã đến dự buổi "giao lưu gặp mặt Chủ tịch Hồ Quốc Thân" vào sáng 24/12. Ảnh: CAHN
Quá trình điều tra, phát hiện Công ty Triệu nụ cười dự định chuẩn bị tổ chức hội nghị với 300 khách hàng tại thiên đường Bảo Sơn, xã Anh Khánh, huyện Hoài Đức vào ngày 24/12/2024.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, không để đối tượng tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, sáng 24/12/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã tiến hành triệu tập, làm việc với Hồ Quốc Thân và 7 nhân viên công ty có liên quan. Đồng thời, tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty Triệu Nụ Cười để điều tra hành vi lừa đảo kinh doanh đồng tiền lượng tử QFS.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, bước đầu xác định, năm 2023, Hồ Quốc Thân thành lập và làm Tổng Giám đốc Công ty CP Triệu Nụ Cười.
Đến tháng 4/2024, Thân bắt đầu chia sẻ về việc phát hành đồng tiền lượng tử QFS và gọi vốn đầu tư vào hoạt động này thông qua nền tảng Zoom.
Điều kiện tham gia vào hệ sinh thái của Triệu Nụ Cười là các cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ tiền "trợ duyên" để sở hữu đồng tiền QFS với mức giá từ 4-5 triệu đồng/1 QFS cho cá nhân và 39 triệu đồng/1 QFS cho doanh nghiệp.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đã tiến hành triệu tập, làm việc với Hồ Quốc Thân và 7 nhân viên công ty có liên quan. Ảnh: CAHN
Công an TP.Hà Nội cho biết, đây là đồng tiền cá nhân do Thân tự nghĩ ra và phát hành, không lên sàn bất kỳ nền tảng nào liên quan đến đồng tiền điện tử.
Để thu hút được nhiều cá nhân và doanh nghiệp đầu tư, Thân còn đưa ra các thông tin không đúng sự thật như đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm, tài sản tại 48 nước và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024; cá nhân Thân có nguồn tài sản, di sản, kho vàng… rất lớn từ "Tổng bộ"; doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất.
Khi sở hữu đồng QFS này, người dân sẽ được lãi suất sở hữu 1 đồng QFS lên thành 10 đồng QFS, từ 10 đồng QFS lên 100 đồng QFS. Nếu vì bất kỳ lý do nào, cá nhân, doanh nghiệp không muốn tiếp tục tham gia cùng công ty thì sẽ được trả lại tiền và được hưởng lãi suất.
Tài liệu điều tra thể hiện, Hồ Quốc Thân thuê viết phần mềm QFS (thể hiện số tài khoản, số lượng đồng QFS, việc thưởng, phạt…) cài đặt được trên điện thoại đi động để quản lý tài khoản mua QFS cũng như cài đặt, tạo niềm tin cho khách hàng.
Đồng thời, Hồ Quốc Thân còn "xây dựng hình ảnh", "đánh bóng tên tuổi" để tạo uy tín, thương hiệu về một Tập đoàn an ninh, vì lợi ích của nhân dân bằng hình thức lập 27 cửa hàng dân sinh kinh doanh thực phẩm trên các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An…
Thân còn phát hành "Thẻ an sinh" của Công ty Triệu Nụ Cười với số tiền trả trước 2,6 triệu đồng. Trong thời gian 1 năm, khách hàng có thể được mua hàng ưu đãi, miễn phí với số tiền 500.000 đồng/tuần (vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần); thẻ không giới hạn về địa lý và có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ khi mua thẻ. Đến nay, Công ty đã phát hành được khoảng hơn 1.000 "Thẻ an sinh".
Để bán được nhiều "Thẻ an sinh", Thân cũng tổ chức nhiều buổi livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube và tổ chức họp online trên nền tảng Zoom với sự góp mặt của nhiều người đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau. Trong đó, Thân sử dụng các ngôn từ Phật pháp để giới thiệu, đề cập đến câu chuyện an sinh và lòng hướng thiện của Thân để lan tỏa thông tin về hoạt động của Công ty tới cộng đồng.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về đồng QFS với nhiều yếu tố tâm linh, sơ bộ xác định tổng doanh thu từ việc bán đồng QFS của Hồ Quốc Thân là khoảng 30 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.
Xử vụ "chuyến bay giải cứu", cựu trưởng phòng hãng hàng không: Bản thân là tấm gương cho thế hệ sau phải chấp hành pháp luật
Ngày 25/12, TAND TP.Hà Nội cho 17 bị cáo cùng các luật sư của mình được tranh luận với đại diện viện kiểm sát trong phiên tòa vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2.
Chiều hôm trước, phía công tố xác định 17 bị cáo có hành vi lợi dụng các chuyến bay đưa công dân về nước trong dịch Covid-19 để đưa/nhận hối lộ hoặc các sai phạm khác nên đề nghị tòa phạt từ án treo đến 14 năm tù.
Giai đoạn 2 vụ "chuyến bay giải cứu" có 17 bị cáo, còn giai đoạn 1 có 54 bị cáo.
Được quyền tranh luận, các bị cáo đều nhận tội chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về xã hội. Nhiều bị cáo đã khóc khi nói về hành vi sai trái của bản thân, nghĩ về gia đình…
Bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt cho biết, sau khi được Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ thực hiện công tác cách ly, bản thân cũng không ngại nguy hiểm, gian khó trực tiếp làm công tác này, đôi khi còn tiếp xúc với cả những người trực tiếp gặp bệnh nhân mắc Covid-19.
"Bị cáo cũng không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật cho tới khi cơ quan điều tra giải thích, bị cáo đã hiểu ra điều này. Bị cáo sinh ra trong gia đình con nhà nghèo, hiện phải chăm sóc bố mẹ. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng nhất của pháp luật để sớm có điều kiện chăm sóc gia đình và con", nữ bị cáo nghẹn giọng.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Cương, cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử của một hãng hàng không bị đề nghị từ 3-4 năm tù về tội "Đưa hối lộ", cũng bật khóc khi lên bục tự bào chữa.
Trấn tĩnh lại, Cương trình bày: "Vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng và trả giá tại đây… Bị cáo mong sớm có cơ hội trở lại, lấy bản thân mình làm tấm gương căn dặn cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật".
Cũng bật khóc tại bục khai báo, bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho hay, sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc, không chỉ với bản thân mà còn cả gia đình.
Sau đó, bị cáo đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân trước khi có quyết định khởi tố và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án. Ông Quang đã bị phạt 4 năm tù ở giai đoạn 1 vụ án và đến nay, bị đề nghị thêm 3 – 4 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết và luật sư Trịnh Văn Tuyến nêu quan điểm, hành vi phạm tội dẫn đến việc bị cáo Thắng phải đứng trước phiên tòa hôm nay nguyên nhân một phần là do sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch Covid-19.
Ông Thắng bị đề nghị 2 – 3 năm tù về tội Đưa hối lộ do có hành vi đưa tiền cho người trung gian, chuyển tới Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế (án tù chung thân giai đoạn 1) để được cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.
Theo luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, ông Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, bởi ở thời điểm thực hiện hành vi giúp sức đưa hối lộ, bị cáo không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp.
Cho rằng bị cáo Thắng chỉ giữ vai trò giúp sức thứ yếu, không đáng kể và hành vi phạm tội giản đơn, thụ động, luật sư Đỗ Ánh Tuyết đề nghị HĐXX và đại diện viện kiểm sát xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về tính chất, mức độ trong hành vi giúp sức của bị cáo Thắng, đặc biệt là tính công bằng giữa các bị cáo trong nhóm tội "Đưa hối lộ".
Luật sư Trịnh Văn Tuyến để nghị HĐXX xem xét một phần công lao của bị cáo trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh; xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi so với các bị cáo khác. Luật sư cũng nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể áp dụng được cho bị cáo Thắng.
Cũng tại tòa, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên xin tòa giảm nhẹ cho bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ địa phương này. Lý do, ông Tùng có nhiều thành tích trong công tác, được tặng nhiều bằng khen gồm của cấp Trung ương. Thái Nguyên cũng là địa phương phát triển kinh tế "nóng" trong 10 năm gần đây và việc này có sự đóng góp của bị cáo Tùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.