“Cuộc chiến” tranh giành nguồn nước phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt và tích nước phát điện đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Bài 1: Nỗi lo thủy điện tích nước
Chính quyền và người dân Quảng Nam, Đà Nẵng ở hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn đang nơm nớp lo khô hạn hơn bao giờ hết khi các hồ thủy điện bậc thang ở thượng nguồn hai hệ thống sông này đang trong giai đoạn tích nước.
|
Thủy điện A Vương liệu có còn nước xả để giải hạn cho vùng hạ du? |
Nguy cơ khô khát
Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 (công suất 190MW) - thủy điện lớn nhất trên hệ thống sông Thu Bồn - chỉ mới tích nước đến cao trình 160m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 15m. Nhà máy thủy điện A Vương (công suất 210MW) lớn nhất miền Trung - mực nước trong hồ cũng chỉ dao động ở mức 163m, thấp hơn 17m so với mực nước dâng bình thường. Đấy là lý do để các nhà máy thủy điện này ra sức tích nước.
Còn đối với hệ thống sông Vu Gia, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, Chi cục đang lo lắng là hiện nay mực nước trên hệ thống sông này giảm mạnh, trong khi đó hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 lại có kế hoạch chặn dòng tích nước. Điều này đồng nghĩa với việc dòng Đăk Mi-nhánh sông chiếm lưu lượng lớn của Vu Gia- bị kiệt nước. Và 36.000ha đất nông nghiệp ở Quảng Nam sẽ khan nước trầm trọng.
“Những vùng lân cận các thủy điện như Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang… việc khan hiếm nước sinh hoạt, sản xuất sẽ rõ nhất, kế đến là các vùng hạ lưu Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Đà Nẵng”- ông Tuấn nói.
Nông dân Nguyễn Bạn (Điện Bàn, Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi chưa thấy năm nào, chỉ mới qua mùa mưa được vài tháng mà nước thủy lợi lại khan hiếm như hiện nay. Nếu thủy điện tiếp tục chặn dòng tích nước từ phía đầu nguồn, các sông sẽ cạn ở mức kỷ lục và xuất hiện mặn sớm hơn mọi năm. Lúc đó không biết lấy nước đâu mà sản xuất”.
Ngoài ra, Đăk Mi 4 chặn dòng còn ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của TP.Đà Nẵng. Hiện tại, mực nước hai hồ thủy lợi lớn là Đồng Nghệ và Hòa Trung (Đà Nẵng) đang xuống thấp nhất trong mấy năm trở lại đây khiến hơn 4.000ha lúa vụ đông xuân của thành phố này có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ.
Nông dân Hồ Minh (Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, hàng trăm ha lúa ở Hòa Quý đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông rất cần nước, nhưng nước từ hồ Hòa Trung không đủ bơm tưới. Chắc chắn năng suất lúa vụ này sẽ giảm.
Giằng co điện và lúa
Trong khi ngành nông nghiệp đang kêu lo vì thiếu nước tưới và đòi hỏi phải ưu tiên nước cho ngành thì ngành điện lại bồn chồn vì nguy cơ thiếu điện và cũng muốn giữ riêng nguồn nước cho mình để phát điện.
Theo Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNPCP), đến thời điểm này đã sắp hết mùa tích nước, nhưng các hồ thủy điện lớn vẫn không tích đủ nước. Dự kiến, các hồ chứa thủy điện thiếu hụt 10 tỷ m3 nước, tương đương thiếu gần 22 triệu kWh điện/tháng.
Hiện tại, nhiều nhà máy thủy điện đang trong tình trạng thiếu nước, chỉ hoạt động cầm cự. Điều này chưa từng xảy ra (vì mùa khô thực sự chưa đến). Thực tế đang đặt ra bài toán khó cho cả ngành điện lẫn nông nghiệp: Chọn cái gì để ưu tiên nguồn nước - điện hay lúa? Nếu xả nước cứu lúa thì thiếu điện, ngược lại nếu tích nước cứu điện thì chết lúa.
Tại miền Trung hiện tại chỉ có duy nhất Nhà máy Thủy điện A Vương là có ký biên bản với Chi cục Thủy lợi Quảng Nam phối hợp sử dụng nước phát điện phục vụ các nhu cầu khác cho vùng hạ du sông Vu Gia. Tuy nhiên, khi mùa khô chưa đến mà A Vương còn chưa tích nước đủ cho mình, thì đến đỉnh điểm mùa khô (giữa tháng 5.2011) cần A Vương xả nước chống hạn, thủy điện này lấy đâu ra nước để xả?
Hiện, lưu lượng nước về hồ Thủy điện A Vương chỉ 20m3/giây. Với lưu lượng này, nếu A Vương phát 2 tổ máy, chỉ 19 ngày sẽ không còn nước để phát điện. “Ốc không mang nổi mình ốc” lấy đâu mà lo cho ai.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, người được Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam giao nghiên cứu các phương án chống hạn, thẳng thắn, mùa khô hạn đến sẽ xảy ra xung đột quyền lợi quyết liệt giữa một bên là nông nghiệp (nông dân) và một bên là công nghiệp. Lúc đó “ưu tiên” ai là quyết định của cấp cao hơn.
Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng, đã dứt khoát “đứng” về phía người dân nói chung nên cho rằng việc tích nước của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 vào đúng mùa khô là không thể chấp nhận.
Ông này quả quyết, nếu Đăk Mi 4 chặn dòng tích nước từ tháng 4 đến tháng 9.2011, ông sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công Thương can thiệp để Đăk Mi 4 lùi thời gian tích nước đến khi hết mùa khô 2011 (tức cuối tháng 9.2011).
Cần hạn chế đầu tư thủy điện nhỏ
"Tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét hạn chế đầu tư các dự án thủy điện nhỏ vì các dự án này không những không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, nhưng rất tiếc những kiến nghị đó đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo tôi các dự án thủy điện nhỏ hay vừa khi triển khai đầu tư thì phải được cân đối với đầu tư của ngành điện lực VN. Chúng ta đừng thấy thiếu điện mà "nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện". Chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế cấp giấy phép và rút giấy phép các dự án thủy điện.
Bộ Công Thương phải chỉ đạo quyết liệt không để các địa phương làm thủy điện tràn lan, loạn xạ lên. Các tỉnh không nên "dính líu" vào việc cấp phép hay thẩm định các dự án thủy điện này.
Tôi nghĩ rằng cần sớm có một đợt rà soát nghiêm túc các dự án thủy điện nhỏ trên cả nước hiện nay và kiên quyết dẹp bỏ những dự án thủy điện gây hại tới sản xuất và đời sống người dân".
Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)
(Còn nữa)
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.