Đại diện của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, phong trào này được phát động bởi Phân viện Chăn nuôi Miền Nam, Sở NNPTNT và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai. Cũng theo vị đại diện này, đã có hàng chục người chăn nuôi đại diện cho chủ trang trại và người chăn nuôi trong tỉnh đã ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước đó, TP.HCM cũng có động thái tương tự cho hàng chục nông dân, chủ trang trại chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Nông dân TP.HCM ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Đáng
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, qua kết quả kiểm tra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, trong năm 2014, qua kiểm tra, tỉnh đã phát hiện 12/156 mẫu dương tính với chất Salbutamol, tỷ lệ khoảng 7,7%, nhưng năm 2015 phát hiện 20/84 mẫu dương tính, tỷ lệ trên 20%.
Hiện, Đồng Nai là địa phương có tổng đàn heo cao nhất nước với khoảng 1,5 triệu con. Thực tế, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Đồng Nai đã tái phát nhiều lần vì sự hấp dẫn rất lớn về lợi nhuận. Việc này cũng đã gây tác hại khôn lường đến sức khỏe cộng đồng và làm thiệt hại kinh tế cho những người chăn nuôi chân chính.
Anh Nguyễn Văn Hậu (huyện Long Thành) – chủ một trang trại chăn nuôi 1.200 con heo nái- hoàn toàn đồng tình với việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. “Người chăn nuôi heo chân chính trong tỉnh vừa rồi bị thiệt hại khá nhiều do thông tin heo nuôi có chất cấm. Việc giới nuôi heo trong tỉnh cam kết không sử dụng chất cấm hy vọng tình hình chăn nuôi sẽ có chuyển biến tốt hơn”- anh Hậu nói.
Theo anh Lê Long – một hộ chăn nuôi heo ở huyện Tân Phú, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và giám sát thông qua vai trò của cán bộ thú y địa phương. “Tôi không nghĩ cán bộ thú y không nhận ra heo nào được nuôi bằng chất tạo nạc, heo nào bình thường. Họ phải công tâm để giúp ngành chăn nuôi tỉnh phát triển và giúp người tiêu thụ hạn chế bệnh tật”- anh Long cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.