Kiểm tra trọng điểm thức ăn chăn nuôi: 5,2% số mẫu vi phạm về chất cấm

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 03/12/2014 06:32 AM (GMT+7)
Đó là con số vừa được Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) công bố tại Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng và tổng kết thí điểm quản lý lợn đực giống, thức ăn chăn nuôi (TACN)”, diễn ra tại Hà Nội ngày 2.12. 
Bình luận 0

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2014, ngành chăn nuôi có sự tăng trưởng mạnh so với năm trước. Tính đến cuối tháng 11, sản lượng thịt hơi tăng khoảng 2,2%; sản lượng thịt gia cầm tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân tiêu thụ thịt hơi năm nay ước tính 50 kg/người, tăng 1,42% so với năm 2013; tiêu thụ trứng gia cầm đạt 88,7 quả/người, tăng 2,66%; sữa tươi đạt 5,81 lít/người.

img
Hoạt động tự trộn nguyên liệu, chế biến TACN tại một đại lý bán TACN ở Hà Nam.      Thanh Xuân
Về sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), hiện cả nước có 199 nhà máy sản xuất TACN công nghiệp; tổng sản lượng TACN năm 2014 ước đạt 14,7 triệu tấn, tăng 9,95% so với năm 2013. Nhìn chung, lượng thức ăn này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu TACN công nghiệp trong nước và bước đầu có xuất khẩu sang một số thị trường trong khu vực. “Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu TACN trong năm nay tăng rất mạnh. Theo thống kê đến hết tháng 10.2014, cả nước đã nhập hơn 9,5 triệu tấn nguyên liệu TACN, trị giá hơn 4,1 tỷ USD, trong đó nhập nhiều nhất vẫn là ngô hạt nguyên liệu với hơn 3,7 triệu tấn, khô dầu đậu tương hơn 2,6 triệu tấn…” – ông Dương cho biết.

 

Theo Cục Chăn nuôi, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, từ tháng 7.2014 đến nay, Cục đã tiến hành kiểm tra trọng điểm TACN, tập trung ở các cơ sở sản xuất TACN hỗn hợp và đậm đặc, trong đó chủ yếu kiểm tra các cơ sở vừa hoặc nhỏ (công suất thiết kế dưới 15.000 tấn/năm). Kết quả kiểm tra 329 mẫu đã phát hiện 11,6% mẫu không đảm bảo chất lượng, 5,2% mẫu vi phạm về chất cấm. Ngoài ra, Cục cũng tiến hành lấy 311 mẫu nước tiểu gia súc sau khi ăn TACN công nghiệp, phát hiện 3,86% mẫu có tồn dư chất cấm vượt mức cho phép. Lấy 300 mẫu thịt, gan, thận gia súc trên thị trường để kiểm tra cũng phát hiện 17,7% số mẫu có hàm lượng kháng sinh vượt mức cho phép.

Những vi phạm như thức ăn có chất cấm, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi đều là những lỗi rất khó phát hiện và khó xử lý. Đặc biệt, Cục Chăn nuôi còn phát hiện nhiều đối tượng có những mánh khóe tinh vi trong việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có cả doanh nghiệp, thương lái và người chăn nuôi. Đáng chú ý là đã xuất hiện dấu hiệu một số doanh nghiệp sản xuất TACN theo đơn đặt hàng của đại lý phân phối hoặc người chăn nuôi, và hình thức này chứa đựng nguy cơ cao của việc vi phạm về chất cấm và kháng sinh.

“Những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đều biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nên họ thường sử dụng thủ đoạn tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Ngành chăn nuôi chỉ có thể lấy mẫu kiểm nghiệm, nhưng không phải lúc nào cũng phát hiện được. Do đó, rất cần có sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng khác” - ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.

Cũng theo ông Vân, để hạn chế tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cần phát huy tối đa vai trò của nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc tham gia tố giác, tẩy chay hành vi vi phạm về chất cấm, kháng sinh tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó không thể thiếu vai trò của chính quyền cấp xã, phường.

  Qua đợt kiểm tra trọng điểm về chất lượng TACN, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 545 triệu đồng, trong đó Thanh Hoá hơn 148 triệu đồng, Đồng Nai 135 triệu đồng, Hưng Yên 129 triệu đồng, Hà Nội gần 88 triệu đồng, Vĩnh Long gần 45 triệu đồng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem