Nếu thông tin của ông Mục chính xác thì chuyện này là quá lạ trong thế giới văn minh ngày nay khi luật cung-cầu là nền tảng để xã hội được cân bằng. Người bán sống nhờ có người mua và ngược lại. Bác sĩ cứu sống bệnh nhân nhưng chính bệnh nhân là người nuôi sống bác sĩ. Cảm ơn, xin lỗi nhau là lẽ thường tình trong giao tiếp lịch sự, văn minh. Thậm chí, vị trí người mua còn được đề cao hơn cả người bán, cho nên khách hàng mới được coi là Thượng đế.
Nhân viên y tế đa số đều là trí thức, lại thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ, những người làm phong trào thì sống trong dân, cùng dân. Có những hoạt động y tế phụ thuộc hẳn vào dân, không có dân thì cầm chắc thất bại như xin máu, mua máu, dập dịch tễ hoặc y tế từ thiện cho cộng đồng. Chẳng những thế, từ Hypocrates đến Hoa Đà, Hải Thượng đều đề cao y đức. Cha ông ta kèm theo lời nguyền “nhất thế y tam thế suy” (một đời làm thuốc ba đời suy). Vì nghề y là nghề có lợi thế đè eo nhấn thủng moi tiền dân khi người ta “vái tứ phương” muốn cứu mạng sống bằng mọi giá, hét gì cũng phải nghe, tiền bao nhiêu cũng phải chịu. Tất nhiên ai cũng ngầm hiểu đây chỉ là lời răn của người xưa, nếu không biết giữ đạo đức, người thầy thuốc sẽ phải trả giá đến ba đời.
Nhân dân ta có truyền thống kính trọng các “thầy”, nhất là thầy thuốc. Lệ đưa phong bì hay thái độ khúm núm trước “thầy” đã thành thói quen của thời kỳ không có quy tắc thị trường, rất khó gột rửa. Có thể nói không sợ sai rằng, cấp dưới thường hư hỏng sau cấp trên vì nhà dột từ nóc, tham nhũng hay vòi vĩnh trong ngành y tế là do nạn tham nhũng “bên ngoài” và “bên trên” khởi xướng.
Mắng mỏ bệnh nhân là chuyện lạ, xem ra nước ta mới có. Nếu mắng để bắt họ tuân theo kỷ luật điều trị vẫn có thể được bỏ qua nếu bác sĩ có lòng nhân ái, tận tụy hết lòng. Cảm ơn, xin lỗi cũng chỉ là cách cư xử thường tình của con người chuẩn mực. Y đức đòi hỏi cao hơn thế rất nhiều. Nước ta cũng đã từng có nhiều thầy thuốc tuy thái độ có thể gắt gỏng, “hắc” nhưng tấm lòng thương người bệnh, nhất là người bệnh nghèo thì bao la. Buồn thay những tấm gương ấy không được nhiều thầy thuốc trẻ hiện nay noi theo. Âu cũng là do tình trạng suy thoái đạo đức chung của xã hội.
Việc quy định thái độ cư xử với bệnh nhân hay tập huấn thực hành là bước đi đầu tiên rất đáng hoan nghênh để khôi phục lại truyền thống y đức vốn đã từng có hoặc bắt buộc phải có. Nó nói lên tình trạng xuống cấp đạo đức y tế đến mức báo động, đồng thời cũng là cố gắng “chỉnh trang” lại bộ mặt của thầy thuốc. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ nếu chỉ coi trọng hình thức đối xử mà không thay đổi cơ bản quan niệm về y đức một cách chân thành. Cảm ơn bệnh nhân có gì lạ đâu, chỉ là một bước nhỏ trên con đường dài làm sống lại y đức đang có nguy cơ hoặc đã thực sự bị mai một.
Sông Thao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.