Dù mới khánh thành và đưa vào sử dụng hơn 6 tháng, nhưng làng bích họa Tam Thanh như một điểm tham quan du lịch lý tưởng và đã đón hàng ngàn lượt khách thập phương về chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, sự lãng mạn của những bức ảnh trên tường cũ kỹ, hàng rào, kể cả những bồn nước.
Để bảo vệ vẻ đẹp và sự hiền hòa của làng bích họa, chính quyền địa phương xã Tam Thanh cùng UBND TP.Tam Kỳ đã lên kế hoạch sắp xếp lại khu vực. Nơi buôn bán của người dân được ngăn nắp, gọn gang hơn. Đặc biệt hai bên đường được cắm cờ đỏ, nhất là những tấm băng rôn, biển hiệu nhằm tuyên truyền cho du khách đến với làng bích họa.
Hai đầu đường vào làng bích họa đã được treo biển “Đoạn đường cấm rải vàng mã” nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp.
Điều ngạc nhiên nữa là con đường dài hơn 2km qua làng bích họa Tam Thanh sạch đẹp, không có một cọng rác. Nhiều biển hiệu với dòng chữ “Đoạn đường cấm rải vàng mã” được treo dọc hai bên đường. Nhìn vào biển hiệu như vậy, nhiều du khách tỏ ra rất hài long với sự cương quyết của chính quyền địa phương, cũng như sự chung tay của người dân nhằm muốn bảo vệ sự bình yên, ôn hòa, giữ không gian sạch đẹp của làng bích họa trong mắt du khách.
“Lâu nay chỉ xem hình ảnh trên báo chí thôi, nay mới đặt chân đến làng bích họa để được tận mắt chiêm ngưỡng. Công nhận nơi đây đẹp và bình yên thật. Đường vào làng bích họa sạch sẽ, khang trang. Tôi đồng ý với việc cấm rải giấy vàng mã ra đường, việc này không những đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn tiết kiệm cho người dân. Vì ở đây, người dân xem là điểm du lịch rồi, nên họ bảo vệ sự xanh-sạch-đẹp là điều tất nhiên…”, du khách Trần Minh Ngọc tâm sự.
Một trong hàng chục bức họa đẹp mắt về người dân vùng biển được họa sĩ vẽ lên tường cũ kỹ.
Cả gia đình người dân làng bích họa được họa sĩ Hàn Quốc vẽ lên tường giống như tạc.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh - cho biết: “Trước khi quyết định cấm rải giấy vàng mã ra đường, UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến của người dân, họ rất đồng tình và ủng hộ chính quyền. Việc cấm rải giấy vàng mã ra đường không chỉ ở làng bích họa mà còn được triển khai trên toàn xã. Việc này cũng nhằm mục đích đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm trong ma chay cho người dân”.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - cho biết: “Chúng tôi cam kết chung tay bảo vệ và tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả của các bức tranh của làng bích họa này. TP sẽ xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, trong đó lấy người dân làm chủ thể, lấy làng bích họa làm điểm nhấn thu hút du lịch, phát huy các loại hình văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống của làng biển…”.
Cô gái đến từ huyện Phú Ninh, Quảng Nam ngỡ ngàng với một bức họa trên tường giống y khuôn mặt của mình.
Được biết, dự án làng Bích họa Tam Thanh do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc Korea Foundation tài trợ xây dựng. Đây cũng là công trình Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt đầu tiên tại làng biển Việt Nam do 20 họa sĩ đến từ Hàn Quốc, đoàn sinh viên tình nguyện chuyên ngành tiếng Hàn họa tiết hơn 100 bức tranh trên tường nhà, rào cũ kỹ để tạo nên những bức tranh sống động lạ thường ngay tại vùng biển, ngay trên các lối ngõ từ bãi biển đi về nhà và nói lên được ý nghĩa cuộc sống chân thực của người dân làng chài.
Những bức tranh đã vẽ lên được sự vất vả, mệt nhọc mưu sinh trên biển của ngư dân vùng biển kèm với nhiều chủ đề khác nhau như: Chủ đề thiên nhiên, đất nước, những nhân vật hoạt hình, con người Việt Nam…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.