Cam Vinh, Cao Phong giá 30.000 đồng/kg: Liệu có đáng tin?

Lê San Thứ năm, ngày 09/03/2017 12:56 PM (GMT+7)
Tại các chợ Hà Nội đang bán cam với mức giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Khi được hỏi xuất xứ, người bán vẫn nói là cam Cao Phong, hay cam Vinh. Nhưng theo các nhà vườn, cam ở những nơi này hiện nay không có giá thấp như vậy.
Bình luận 0

Những quả cam chín vàng được bán các chợ dân sinh Hà Nội có cành lá tươi nguyên, vỏ rám, cứng, chắc, thậm chị lốm đốm các nốt ghẻ quả. Nhiều người bán hàng khi được hỏi cam ở đâu, lúc bảo cam Cao Phong, khi người mua bảo cam Cao Phong hết mùa, lại bảo cam Vinh.

Chị Nguyễn Thị Lê Na – Quản lý Thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến xứ Nghệ, Phó giám đốc Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Qùy cho hay: Hiện tại ở cả Hòa Bình và Nghệ An đều còn cam. Đó là giống Cam V2. Nhưng cam thật, chín vàng như thế này, giá tại vườn cũng không có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg. Còn cam ngơ (cam loại) vỏ màu xanh lại rất rẻ chỉ từ 3000 – 5000 đồng/kg, không mấy người mua, nhiều hộ phải đổ bỏ. Thêm nữa, cam V2 là loại cam ngon nhưng có tỷ lệ cam ngơ trên mỗi cây khá cao.

img

Ngươi tiêu dùng vẫn khó phân biệt cam Vinh, cam cao Phong với cam nhập từ nơi khác về (ảnh minh họa IT) 

Chị Đàm Vân, một hộ trồng cam ở huyện Cao Phong cho biết: Mùa này, ở Cao Phong chỉ còn cam V2, kéo dài đến tháng 5. Nhưng giá bán tại vườn cũng đã là 45.000 đồng/kg. “Ở toàn vùng cao này, nhà nào cũng bán với mức giá này, không thể thấp hơn vì chi phí sản xuất cao”- chị Vân cho hay.

Theo chị Nguyễn Thị Lê Na, cam được bán với giá thấp như vậy có thể là cam nhập về từ Trung Quốc. “Cam Trung Quốc với giá 6000đ - 10.000đ/kg nhập về đến các chợ đầu mối Việt Nam rất nhiều. Cam được bọc nilon lớn, đóng vào các các thùng xốp chứa đá ướp lạnh, nên khi mới bỏ trong thùng ra sẽ thấy có nước. Cam này trước đây vỏ sáng đẹp, nhưng vài năm trở lại đây có thể do đánh vào tâm lý hàng sạch là hàng xấu của người Việt nên cam thường không đều (dạng cắt quét cả cây), gồm cả những quả xanh lẫn chín, vỏ quả có các nốt sần của bệnh loét, ghẻ trên cam, vỏ rám. Lá tươi xanh nhưng chủ yếu là xanh thẫm, lá này không bị héo tự nhiên trong 1 ngày mà sẽ có màu thẫm đen lại do bỏ ra khỏi thùng xốp có chứa đá. Vỏ cam cứng được lâu” – chị Na chia sẻ.

img

Các loại cam có thương hiệu thường có giá cả ổn định (ảnh minh họa) 

Để phân biệt cam nơi khác và cam Vinh, cam Cao Phong hiện nay khá khó khăn, vì chúng đều có vẻ ngoài khá giống nhau. Theo chị Vân, đặc điểm dễ nhận biết nhất của cam V2 là khi hái xuống, chỉ vài tiếng sau lá héo ngay chứ không giữ tươi được lâu. Vỏ cam tự nhiên dù để được lâu nhưng sẽ bị héo hoặc dễ mềm. Vào cuối mùa, núm cuống cam Cao Phong có màu hơi xanh xanh, vàng vàng, đầu cuống hơi khô. Khi cắt ra, ăn ngọt thơm, tép giòn, ít hạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem