Cam Vinh vượt khỏi ao làng: Lại điệp khúc nhà nhà trồng cam (kỳ 2)

Cảnh Thắng Thứ sáu, ngày 08/12/2017 06:40 AM (GMT+7)
Do cam đem lại lợi ích kinh tế cao nên những năm gần đây, nông dân các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Nghi Lộc... (Nghệ An) liên tiếp mở rộng diện tích trồng cam Vinh. Việc phát triển “nóng” diện tích trồng cam một cách tự phát đang khiến nhiều người lo ngại về thị trường tiêu thụ, cũng như khó giữ ổn định chất lượng loại cam đặc sản này.
Bình luận 0

Nhà nhà trồng cam

Có mặt tại huyện Quỳ Hợp trong những ngày, đi đến đâu phóng viên cũng thấy một màu vàng ruộm của những vườn cam chín; khắp nơi người dân tất bật thu hoạch, mua bán cam nhộn nhịp.

Với giá bán trung bình từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, cam Vinh hiện là loại nông sản đem lại thu nhập lớn cho người sản xuất. Nếu cây cam cho ra quả bình thường, không bị sâu bệnh thì mỗi ha có thể thu hoạch từ 25 - 60 tấn, thu nhập lên tới 1,5- 2 tỷ đồng/vụ.

img

Vườn cam Vinh ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, rụng trái la liệt.  Cảnh Thắng

Tuy nhiên, trước thực tế nhà nhà trồng cam, nơi nơi trồng cam, hiện rất nhiều người tâm huyết với loại cây này đang băn khoăn khi quy hoạch vùng trồng cam vẫn còn nhiều bất cập, bản thân nông dân trồng cam vẫn ít áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình canh tác, chủ yếu sản xuất tự phát, theo kinh nghiệm truyền tai nhau là chính...

Cụ thể, do không nắm vững cách lựa chọn giống cam, cách lai ghép mắt giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy trình khiến nhiều vườn cam dù đã trồng được 3 - 4 năm nhưng cây không cho trái; nhiều vườn nhiễm sâu bệnh hàng loạt, phải chặt bỏ, gây thiệt hại rất lớn.

Do lợi ích kinh tế mà cây cam Vinh mang lại lớn hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác nên mấy năm gần đây, số hộ sản xuất loại cây này tăng nhanh. Đơn cử như vùng trồng cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp, những năm gần đây người dân ở các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn đua nhau trồng cam. Đến cuối năm 2017, diện tích đã lên tới hơn 3.000ha, vượt quy hoạch tới năm 2020.

Việc tăng trưởng nóng diện tích trồng cam vô hình trung đã phá vỡ quy hoạch phát triển loại cây này, đồng thời đặt ra nhiều lo ngại về việc tiêu thụ và đảm bảo chất lượng thương hiệu Cam Vinh lâu nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đình Tấn - một hộ dân trồng cam lâu năm ở Quỳ Hợp chia sẻ: “Tại huyện Quỳ Hợp, tôi thấy rất nhiều người đua nhau trồng cam nhưng trồng theo cảm tính, thích thì trồng chứ chưa hề biết sẽ bán cho ai. Thậm chí có nhiều người tự lai ghép giống, trồng không theo một quy trình khoa học kỹ thuật nào khiến chất lượng cam bị giảm sút. Nếu tiếp tục như thế, nguy cơ cao sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu cam Vinh”.

Sâu bệnh nhiều, tuổi thọ giảm

Thống kê chưa đầy đủ, đến nay vùng cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp đã có hơn 5.000 tấn cam bị rụng mà chưa tìm được nguyên nhân. Các đoàn nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại học Thái Lan… đã đến địa phương để lấy mẫu kiểm tra, nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng”.
Ông Cao Giang Nam
 

“Cây cam cho giá trị kinh tế cao nhưng là loại cây khó tính, phải am hiểu kỹ thuật, cách bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật thì cây cam mới cho hiệu quả kinh tế cao. Tuổi thọ của cây cam nói chung khoảng 15 năm, nhưng rất nhiều vườn cam ở huyện Quỳ Hợp mới được 8 năm tuổi đã không còn ra hoa, kết trái nữa. Thật đáng lo” - ông Tấn băn khoăn nói.

Anh Nguyễn Văn An - nông dân trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho hay: “Năm nay vườn cam 3ha của gia đình tôi thất thu nặng vì nhiều cây bị sâu bệnh, không kết trái, vườn có mấy trăm gốc có trái nhưng sắp đến kỳ thu hoạch thì bị rụng hết quả. Sắp tới, tôi sẽ phải chặt phá hết diện tích cam bị sâu bệnh để trồng cây khác. Gia đình có vườn cam bên cạnh vườn cam nhà tôi cũng chung tình trạng. Năm ngoái họ thu được hơn 50 tấn/ha, nhưng năm nay thì thiệt hại hơn 1 tỷ đồng vì vườn cam đồng loạt nhiễm bệnh, tốn nhiều công đầu tư chăm sóc song cam vẫn chết dần”.

Cũng theo nhiều hộ sản xuất cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, năm nay chỉ có một số ít các gia đình giữ được sản lượng cam như các năm trước. Lý do một phần vườn cam bị ảnh hưởng từ đợt mưa lũ do áp thấp nhiệt đới hồi tháng 10.2017, khiến nhiều diện tích cam bị ngập úng, cam chuẩn bị thu hoạch bị rụng với số lượng lớn. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân là do sâu bệnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Giang Nam - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Năm 2017 là một trong những năm cam Vinh tại địa phương có sản lượng kém nhất. Năm 2016 cam cũng có hiện tượng rụng quả, cây bị bệnh không kết trái, nhưng đến năm 2017 thì diện tích cam rụng tăng lên gấp nhiều lần. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay vùng cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp đã có hơn 5.000 tấn cam bị rụng mà chưa tìm được nguyên nhân.

Các đoàn nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại học Thái Lan… đã đến địa phương để lấy mẫu kiểm tra, nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng”. Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện diện tích trồng cam Vinh ở Nghệ An khoảng hơn 8.000ha, diện tích cho quả khoảng khoảng 3.000ha, năng suất trung bình 15-20 tấn/ha, phân bố chủ yếu ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc, Tân Kỳ.

“Thương hiệu cam Vinh đã được cấp chỉ dẫn địa lý, thấy cây cam mang lại hiệu quả cao, nhiều gia đình giàu lên nhờ cam nên bà con đua nhau trồng mà không hề quan tâm đến quy trình kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu, thị trường... Điều này sẽ gây ra nhiều hệ luỵ về thị trường, giá cả cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cam nói chung” - ông Lập lo ngại./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem