Cam Vinh vượt khỏi “ao làng”: Con tem chưa đem lại phép màu (kỳ 1)

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 07/12/2017 09:05 AM (GMT+7)
Dù thương hiệu Cam Vinh đã được cấp tem truy xuất điện tử nhưng những thách thức với loại nông sản này vẫn rất ngổn ngang, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến nông dân trồng cam vẫn canh cánh nỗi lo được mùa – mất giá.
Bình luận 0

Từ năm 2017, đặc sản cam Vinh đã được các ngành chức năng tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng được đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nhầm lẫn với các loại cam trôi nổi trên thị trường. Thế nhưng, chỉ dán tem thôi thì chưa đủ để cam Vinh “bay cao, bay xa”.

Dán tem truy xuất - lợi nhiều bề

img

Vườn cam Vinh ở hộ gia đình ông Dương Đình Tấn đạt năng suất 65 tấn đến 70 tấn/ha.  Ảnh: Cảnh Thắng 

"Từ khi vườn cam được dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm bán nhiều hơn trước, ít bị tiểu thương ép giá nhưng số lượng tem dán bị hạn chế nên nông dân vẫn gặp khó khăn khi quảng bá sản phẩm cam của gia đình ra thị trường”.

Ông Dương Đình Tấn

Dán tem truy xuất nguồn gốc là một giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu loại quả đặc sản và nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh, tránh tình trạng cam kém chất lượng hoặc cam từ các địa phương khác đưa về trộn lẫn với cam Vinh để bán, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của loại cam đặc sản này.

Là hộ sản xuất sớm “dán tem” cho cam Vinh, ông Dương Đình Tấn – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Tấn Thanh, huyện Quỳ Hợp, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 2010, đến nay diện tích cam đạt 5ha. Ngoài ra, tôi cùng 9 hộ dân khác thành lập HTX với diện tích trồng cam trên 30ha. Năm nay, HTX Tấn Thanh là một trong 2 HTX được các cấp thẩm quyền cho dán tem truy xuất nguồn gốc. Trước đây, sản phẩm cam của HTX bán ra thị trường đều được người tiêu dùng đón nhận, từ khi được dán tem, giá bán cam cũng nhỉnh hơn. Hiện giá bán cam cao hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg”.

 “Nhiều khách hàng phản ánh truy xuất tem còn chậm, hy vọng trong thời gian tới, việc này sẽ sớm được khắc phục. Ban đầu, tôi thấy lãnh đạo tỉnh nói hỗ trợ 15.000 tem và máy in tem, nhưng đến nay cả 2 HTX vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Chúng tôi phải mua máy in tem, mua mỗi tem dán với giá 200 đồng... Chúng tôi rất mong được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để động viên việc dán tem thương hiệu đặc sản của địa phương” - ông Tấn nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Thành Vinh - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳ Hợp cho hay: “Vừa qua, Sở KHCN tỉnh Nghệ An mới cấp được cho 2 HTX Tấn Thanh và Phùng Huyền tổng cộng 15.000 tem truy xuất nguồn gốc để dán cho cam Vinh. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục cấp tem truy xuất nguồn gốc cho 2 đơn vị nữa, nếu đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và các tiêu chuẩn khác”.

Cũng theo ông Vinh, theo quy định, điều kiện đầu tiên để được cấp tem truy xuất nguồn gốc là phải bảo đảm VSATTP, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả cam sau khi thu hoạch. Để được cấp tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh, người dân cần đăng ký với Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh Nghệ An, Hiệp hội Cam Vinh, Sở KHCN để được theo dõi quá trình trồng, chăm sóc, đảm bảo các điều kiện về VSATTP, khi đủ điều kiện sẽ cho dán tem truy xuất.

Theo tìm hiểu của NTNN, các giống cam Vinh hiện nay chủ yếu là cam Xã Đoài muộn, cam Xã Đoài sớm, cam V1, V2 (Valencia), cam lòng vàng, cam PQ… Đây là những giống cam đặc trưng thường được bà con trồng trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh gồm các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Nghi Lộc. Với đặc trưng quả cam thơm ngon, ruột vàng, vỏ chín đỏ..., sản phẩm cam Vinh ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Vẫn nỗi lo đầu ra

Cũng theo ông Dương Đình Tấn, năm nay dù sản phẩm cam của ông được dán tem truy xuất nguồn gốc, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm ổn định vẫn là nỗi băn khoăn lớn nhất không chỉ của riêng ông mà của hàng trăm hộ dân trồng cam nơi đây.

“Những năm trước đây, hàng trăm tấn cam của gia đình tôi khi xuất ra thị trường thường bị tiểu thương ép giá, dù cây cam của gia đình được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, từ khi vườn cam được dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm bán nhiều hơn trước, ít bị tiểu thương ép giá nhưng số lượng tem dán bị hạn chế nên nông dân vẫn gặp khó khăn khi quảng bá sản phẩm cam của gia đình ra thị trường” - ông Tấn nói.

Ông Vi Thành Vinh cũng trăn trở: Hiện chưa có một tổ chức, doanh nghiệp nào quan tâm đến vấn đề bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng cam trên địa bàn.

“Cùng với một số bất cập như quy hoạch vùng trồng cam, cách chọn giống cam, cách lai ghép mắt giống, giải pháp kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón..., thương hiệu Cam Vinh thực sự đang gặp nhiều khó khăn để lớn mạnh, mở rộng thị trường. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn chiến lược cả về quy trình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ”- ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem