Mặc dù bị dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản 9 tháng năm 2021 đạt mốc kỷ lục 35,5 tỷ USD: Các loại hạt lên ngôi
Mặc dù bị dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản 9 tháng năm 2021 đạt mốc kỷ lục 35,5 tỷ USD: Các loại hạt lên ngôi
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 04/10/2021 14:50 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 35,5 tỷ USD, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất. Ở chiều ngược lại, Campuchia vượt Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản: 3 thị trường mua nhiều nông sản của Việt Nam
Theo Bộ NNPTNT, 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu nông sản ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%.
Dù dịch Covid-19 tác động nhưng nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…
Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu (Cao su tăng 17,1% về khối lượng và 52,7% giá trị; hạt điều tăng 16,6% về khối lượng và 14,8% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 12,9% về khối lượng và 27,7% về giá trị.
Trong số các thị trường xuất khẩu chính, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,7% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 24,4%.
Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,4 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỷ USD.
Campuchia đột nhiên xuất khẩu lượng lớn nông sản sang Việt Nam
Trong khi xuất khẩu nông sản vẫn đạt kết quả khả quan mặc những tác động của dịch Covid-19 thì kim ngạch nhập khẩu nông sản cũng tăng đáng kể.
Theo đó, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 20,2 tỷ USD, tăng 56,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,3%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,5 tỷ USD, tăng 14,3%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 32,8%; nhóm đầu vào sản xuất gần 5,5 tỷ USD, tăng 32,1%.
Đáng chú ý, Campuchia vượt Trung Quốc, trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, đạt trên 3,0 tỷ USD, chiếm 9,4% thị phần.
Ttrong đó, Campuchia bán sang Việt Nam chủ yếu là hạt điều, riêng mặt hàng này chiếm 68,1% giá trị xuất khẩu nông sản của Campuchia sang Việt Nam.
Tính đến hết tháng 8/2021, Campuchia xuất sang Việt Nam 1,1 triệu tấn hạt điều, chiếm 52% sản lượng điều nhập vào Việt Nam, trị giá 1,8 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 sang Việt Nam là Mỹ, đạt khoảng 3 tỷ USD, chiếm 9,3% (mặt hàng bông chiếm 36,7%).
Tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, để đạt được mục tiêu đề ra của năm 2021, từ nay đến cuối năm, Bộ NNPTNT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 2 Tổ công tác đặc biệt, tăng cường thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các thị trường Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp.
Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (nhãn, thạch đen, vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt… nông sản đang vào vụ thu hoạch) sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc,…
"Với những thay đổi từ thị trường Trung Quốc, Bộ sẽ phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khi xuất sang Trung Quốc" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.