Mỹ - Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận về một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam
Việt Nam - Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, thị trường 100 tỷ USD rộng mở
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 02/10/2021 09:59 AM (GMT+7)
Ngày 01/10/2021, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Được biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Mỹ - Việt Nam đạt thỏa thuận nhằm giải quyết các mối quan ngại của Mỹ về nguồn gốc gỗ
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai vừa công bố một thỏa thuận với Việt Nam về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp nhằm giải quyết các mối quan ngại của Mỹ trong cuộc điều tra theo Mục 301 về gỗ Việt Nam.
Ngày 01/10/2021, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai về vấn đề trên.
Thỏa thuận đảm bảo các cam kết nhằm ngăn chặn gỗ khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp tham gia chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Đại sứ Tai xác định: Thỏa thuận đưa ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra và chưa có biện pháp thương mại nào được đưa ra vào thời điểm này.
Trong tương lai, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sẽ giám sát việc thực hiện thoả thuận của Việt Nam.
Thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán với Mỹ để khép lại vụ điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
Việc ký thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 bên, là cơ sở để Chính phủ Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.
Đại sứ Katherine Tai nói: "Tôi khen ngợi Việt Nam đã cam kết giải quyết những quan ngại của chúng tôi liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp.
Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ cung cấp một mô hình - cho cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu – về tăng cường thực thi pháp luật toàn diện đối với gỗ bất hợp pháp.
USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam để tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, bao gồm cả việc thông qua Nhóm công tác về gỗ mới được thành lập".
Thỏa thuận có cam kết của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến gỗ bất hợp pháp, bao gồm cải thiện Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ; xử lý gỗ bị tịch thu (là gỗ bị thu giữ do vi phạm luật pháp trong nước hoặc quốc tế) ra khỏi chuỗi cung ứng thương mại.
Xác minh tính hợp pháp của gỗ khai thác trong nước bất kể nơi xuất khẩu; và làm việc với các quốc gia có nguy cơ cao để cải thiện việc kiểm tra hải quan tại biên giới và hợp tác thực thi pháp luật.
Đại sứ Tai nói: "Gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng gây tổn hại đến môi trường toàn cầu và tài nguyên thiên nhiên mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào đó và không công bằng đối với các công nhân và doanh nghiệp Mỹ không sử dụng những loại gỗ đó".
"Việc USTR lần đầu tiên sử dụng Mục 301 trong cuộc điều tra này cho thấy sức mạnh của việc sử dụng công cụ này để giải quyết các mối quan tâm về rủi ro môi trường hoặc việc thực thi luật môi trường."
Cuộc điều tra USTR được bắt đầu vào tháng 10/2020 theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.
Theo Bộ NNPTNT, thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định pháp luật bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, phù hợp với các quy định liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.
Thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế.
Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Mỹ chi 6,4 tỷ USD mua gỗ Việt
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 9/2021 đạt 821.000 USD, giảm 8,2% so với tháng 8/2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu lâm sản đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 832 triệu USD, tăng 46,4% so cùng kỳ. Xuất siêu ước đạt 9,699 tỷ USD, tăng 45%.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Theo các chuyên gia, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ năm 2020 đạt mức 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 8/2021 đạt 540 triệu USD, giảm 24,2% so với tháng 8/2020.
Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ vẫn đạt 6,4 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, nhất là dịp cuối năm.
Tổng nhu cầu có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2021 khi nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng 6-7%.
Đáng chú ý, theo nguồn mordorintelligence.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Mỹ tăng trưởng bình quân 3% trong giai đoạn năm 2021-2026 với động lực chính là thị trường xây dựng nhà đang cải thiện. Đây là lý do đưa Mỹ trở thành nhà nhập khẩu đồ nội thất nhà bếp hàng đầu của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.