Psychopath là một trong nhiều dạng khác nhau của rối loạn đa nhân cách. Trong tiếng Việt, khái niệm này có thể tạm dịch là "rối loạn nhân cách chống đối xã hội".
Đây là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật.
Khác với những người bị chứng rối loạn đa nhân cách được xếp vào dạng bệnh tâm thần phân liệt - vốn chỉ biểu hiện ở sự mất nhận thức về bản thân, thường ngộ nhận mình với người khác; thì một Psychopath lại hoàn toàn hiểu mình nhưng lại che giấu con người thật bằng nhiều chiếc mặt nạ khác nhau.
Bên cạnh đó, Psychopath là nhóm người có nguy cơ cao trong việc tìm đến hành động giết người như cách để thỏa mãn tâm lý bản thân bởi họ luôn vô cảm, không có cảm giác tội lỗi khi làm điều xấu, kể cả khi giết người.
Năm 2011, Anders Breivik - một tội phạm người Na Uy đã đặt bom khủng bố và trực tiếp xả súng ở một trại hè dành cho thiếu niên, khiến tổng cộng 77 người thiệt mạng.
Hình ảnh sát thủ Anders Breivik.
Còn tên sát nhân Ted Bundy là một ví dụ kinh điển khác của những kẻ rối loạn nhân cách. Tên tội phạm người Mỹ này thú nhận đã bắt cóc, hãm hiếp và sát hại hơn 30 phụ nữ ở 7 tiểu bang Mỹ từ năm 1974 - 1978. Ted Bundy đã phải lĩnh án tử hình vào năm 1989.
Tên giết người hàng loạt Ted Bundy.
Câu hỏi được đặt ra là điều gì đã dẫn đến những hành động man rợ, không còn tính người của những kẻ rối loạn nhân cách này? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và rút ra một số nhận xét chung về loại tội phạm đặc biệt này.
Khác với người bình thường, họ không có khả năng phân biệt giữa đúng và sai, hầu như không nảy sinh cảm xúc trước những sự kiện đau buồn. Họ cũng gần như không có khái niệm về sự ăn năn hay lòng trắc ẩn.
Thế nhưng, theo nhà thần kinh học James Fallon, kẻ rối loạn nhân cách lại cực kì giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác. Nhờ đó, họ dễ dàng nhận biết và khai thác những điểm yếu của nạn nhân.
Tên sát nhân hàng loạt Ted Bundy là một ví dụ, y rất giỏi trong việc làm quen và kết thân với những cô gái trẻ rồi sát hại.
Kẻ rối loạn nhân cách có khả năng bắt nạn nhân làm theo ý muốn của mình.
Giáo sư Robert Hare - một chuyên gia tâm lí học tội phạm với 40 năm kinh nghiệm đã thiết kế một bài khảo sát tâm lý.
Trong đó, ông liệt kê 20 đặc điểm của một “psychopath”, trong đó có thể kể đến một số hành vi như sau:
- Mồm mép giảo hoạt, hay lừa phỉnh người khác.
- Luôn tự cao, tự cho rằng mình giỏi giang và thông minh hơn tất cả mọi người.
- Thích nói dối.
- Thao túng người khác, bắt họ làm những điều trái ý muốn.
- Không bao giờ tỏ ra hối hận hay nhận lỗi.
- Có đời sống tình dục buông thả, bừa bãi.
- Có tiền sử phạm tội lúc vị thành niên.
Với đặc điểm này, chúng ta có thể cho điểm đối tượng theo các mức 0 điểm (hoàn toàn không đúng), 1 điểm (đúng một phần) và 2 điểm (hoàn toàn đúng).
Người bình thường sẽ dao động quanh mức 5 điểm trên thang đánh giá này. Ngược lại, những người rối loạn nhân cách thường có số điểm cao trên 30.
Dựa vào thang đánh giá của giáo sư Robert Hare, người ta có thể nhận biết được những phạm nhân có xu hướng rối loạn nhân cách và đề ra cách thức phù hợp để giáo dục và cải tạo họ.
Thêm một điều quan trọng nữa, không phải ai mang một vài đặc trưng nêu trên của “psychopath” đều sẽ trở thành tội phạm. Đây là điều chúng ta cần phân biệt rõ.
Có khi, những người mang trong mình những tố chất “psychopath” có thể trở thành giám đốc kinh doanh hoặc vận động viên thể thao tài giỏi nhờ sự nhạy bén và không ngại khó khăn của mình. Người ta chỉ trở thành tội phạm nếu thực sự gây ra một tội ác cụ thể.
Dù vậy, bạn cũng nên lưu ý rằng, việc chấm điểm theo thang đánh giá Hare phải được một chuyên gia tâm lý thực hiện. Đối với người bình thường, chúng ta chỉ nên coi đó là một thước đo tham khảo mà thôi.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận biết được người không tốt bằng cách cảm nhận và lí trí của riêng mình. Trong trường hợp đó, bạn có thể tạo khoảng cách trong quan hệ với họ để ít nhất, những người đó không thể gây bất cứ tổn hại gì cho chính bạn.
* Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của nhà báo Tom Chivers, đăng trên chuyên trang Khoa học của tờ Telegraph.
(Theo Tri thức trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.