Cần “biển cấm” cho những “quả đấm thép”

Thứ sáu, ngày 20/07/2012 20:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không nhiều người bất ngờ khi Kiểm toán Nhà nước ngày 18.7 công bố thông tin: EVN đã không hạch toán hàng nghìn tỷ đồng để có thể giảm giá thành sản xuất điện.
Bình luận 0

Vấn đề tài chính đối với tập đoàn độc quyền này xưa nay vẫn là những bất ngờ: Đề xuất tự thưởng 1.002 tỷ đồng trong khi phải trả lại 13 dự án vì thiếu vốn đầu tư. Đầu tư ra ngoài ngành có lúc lên tới 2,8% vốn điều lệ, tương đương 2.100 tỷ đồng, nợ chồng chất, lỗ đầm đìa- ở cùng thời điểm là hơn 31.000 tỷ. Liên tục kêu lỗ để đề xuất tăng giá điện trong khi than vãn lương, được hạch toán vào giá thành điện- 7,3 triệu đồng/tháng là “không đủ sống”.

Hôm qua, báo chí đã dùng một từ nhẹ nhàng là “giấu lợi nhuận” để chỉ hành vi không hạch toán những khoản thu, các khoản lãi để giảm giá thành điện. Kiểm toán Nhà nước đã tính toán phần thu từ các khoản cho thuê cột điện, nhượng bán vật tư... lên tới hơn 400 tỷ đồng- nếu hạch toán vào thu thì sẽ giúp giảm giá thành khoảng 5 đồng/kWh điện. Số lãi các khoản đầu tư, kinh doanh khác, khoảng 2.900 tỷ đồng, nếu hạch toán cũng giúp giảm được 29 đồng/kWh. Có nghĩa nếu thực hiện đúng quy định, giá thành điện có thể giảm được 34 đồng/kWh. Có nghĩa “cú sốc tăng giá” sẽ bớt khắc nghiệt hơn.

Nhưng câu chuyện để tiền “trôi nổi” đâu đó không chỉ là chuyện của riêng EVN. Mặc dù đã có yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực chính, hạn chế đầu tư ra ngoài ngành, tuy nhiên, đến giờ đa số tập đoàn, tổng công ty vẫn có đầu tư ngoài ngành. Trong đó có đầy đủ các tên tuổi sừng sỏ Xi măng, Hàng hải, Điện lực, Than... đầu tư ra ngoài ngành bằng 4-12% vốn điều lệ. Dường như những doanh nghiệp có gắn kèm hai chữ Nhà nước đều ở chung tình trạng tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn. Và đầu tư ngoài ngành quá lớn dẫn tới thua lỗ kéo dài. EVN lỗ năm 2010 lên tới hơn 8.400 tỷ.

Khi nói về lỗ, về nợ, các doanh nghiệp nhà nước hay viện dẫn lý do “trách nhiệm xã hội”. Nhưng thực ra, họ chỉ cần không quá hoang phí, tiêu đúng và có trách nhiệm với những đồng vốn từ tiền thuế của dân đã là thứ “trách nhiệm xã hội” lớn nhất rồi. Đầu tư ra ngoài ngành và luôn miệng kêu thiếu vốn cho sản xuất “chính ngành”, có lẽ đã đến lúc ngoài yêu cầu triệt thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, cần hẳn một “biển cấm” đối với các “quả đấm thép”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem