Cán bộ bị bắt về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, khung hình phạt thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 28/06/2024 10:17 AM (GMT+7)
Theo luật sư, người có hành vi cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ tài liệu bí mật Nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Những năm gần đây, một số cán bộ ở Trung ương và địa phương bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý làm lộ, chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Vậy hành vi này được pháp luật quy định ra sao?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018, bí mật Nhà nước được hiểu là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gay nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bảo vệ bí mật Nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật Nhà nước. Hình thức chứa bí mật Nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Bí mật Nhà nước gồm những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, cụ thể là: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, kế hoạch, phương án phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên, đối phó với chiến tranh.

Các chương trình nghiên cứu, sản xuất, phát triển, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị an ninh, quốc phòng phục vụ bảo vệ Tổ quốc; Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ.

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối nội, đối ngoại và các vấn đề phải giữ bí mật theo cam kết với nước ngoài; Các vấn đề liên quan đến các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và xã hội của đất nước chưa công bố…

Theo luật sư Thơ, căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật.

Cụ thể, bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cán bộ bị bắt về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, khung hình phạt thế nào?- Ảnh 2.

Hành vi cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ tài liệu bí mật Nhà nước đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: P.H.

Bí mật Nhà nước độ Tối mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tinh và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hộ, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham những, kiểm toán Nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật Nhà nước độ Mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, tranh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thời hạn giải mật bí mật Nhà nước được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định căn cứ vào yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Theo đó, 40 năm đối với bí mật Nhà nước độ tuyệt mật, 30 năm đối với bí mật Nhà nước độ tối mật, 20 năm đối với bí mật Nhà nước độ mật. Thời hạn giải mật bí mật Nhà nước được tính từ ngày ban hành, tạo ra bí mật Nhà nước.

Trường hợp hết thời hạn, nếu xét thấy việc công khai nội dung bí mật Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thì cơ quan ban hành, tạo ra bí mật nhà nước có quyền gia hạn tiếp.

Việc xem xét gia hạn thời hạn giải mật bí mật Nhà nước phải được thực hiện trước khi hết thời hạn theo quy định và việc gia hạn có thể được thực hiện nhiều lần. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo mật theo quy định.

Từ bình luận trên, luật sư Thơ thông tin, vì sự quan trọng của bí mật Nhà nước nên hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, tùy vào tính chất mức độ và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong đó, theo quy định của Điều 337 Bộ luật hình sự, hành vi cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ tài liệu bí mật Nhà nước đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ 2 đến 15 năm tù.

"Ngoài ra, Điều 337 nêu trên cũng quy định, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó.

Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật Nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó" – luật sư Thơ nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem