Vụ khởi tố nữ sinh làm lộ đề thi môn Toán: Đề thi đã mở, có còn là bí mật nhà nước?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 10/11/2023 06:03 AM (GMT+7)
Sau khi làm đề thi môn Toán được 60 phút, Ngô Hồng Ánh đã gửi đề thi ra ngoài để nhờ 3 người khác làm hộ. Hành vi trên của Ánh bị cáo buộc là cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Bình luận 0

Nữ sinh làm lộ đề thi tốt nghiệp môn Toán ở Yên Bái bị khởi tố

Liên quan đến vụ nữ thí sinh làm lộ đề thi môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 ở Yên Bái, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Hồng Ánh (sinh năm 2002, trú tại xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) để điều tra về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" theo quy định tại khoản 2 Điều 337 Bộ luật hình sự.

Vụ khởi tố nữ sinh làm lộ đề thi môn Toán: Đề thi đã mở, có còn là bí mật nhà nước? - Ảnh 1.

Ngô Hồng Ánh bị khởi tố với cáo buộc gửi đề thi THPT môn Toán qua messenger để nhờ 3 người khác làm hộ, khiến đề thi bị lộ trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Quá trình điều tra xác định, ngày 28/6/2023, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại phòng thi số 061, điểm thi trường THPT Hoàng Quốc Việt, xã Giới Phiên, TP Yên Bái, sau 60 phút làm bài thi trắc nghiệm môn Toán (2/3 thời gian làm bài), Ngô Hồng Ánh dùng điện thoại di động mang vào từ trước chụp ảnh phần đề thi mà mình chưa làm được để gửi qua ứng dụng messenger cho 3 người khác làm bài thi hộ.

Công an tỉnh Yên Bái cho rằng, hành vi của Ánh dù không gây ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi nhưng đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đề thi đã mở, có còn là bí mật nhà nước?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam quy định danh mục tài liệu bí mật nhà nước và bảo vệ bằng chế tài của pháp luật, trong đó có nhiều trường hợp hành vi xâm phạm bí mật nhà nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Bí mật nhà nước được phân chia thành các lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc vào từng thời kỳ, từng thời điểm mà thủ tướng chính phủ sẽ có quyết định để quy định những thông tin tài liệu nào được xác định là thông tin tài liệu mật và mức độ mật của mỗi thông tin tài liệu.

Theo đó, danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định tại Quyết định số 531/QĐ-TTg, như sau: Bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm: Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia "chưa công khai" là bí mật nhà nước ở dạng tối mật, sẽ được bảo vệ theo luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Còn trường hợp các tài liệu này đã được công khai rồi sẽ không còn là tài liệu bí mật nhà nước, không được bảo vệ bởi Luật bảo vệ bí mật nhà nước mà sẽ được bảo vệ theo nội quy, quy chế thi.

Bởi vậy, để buộc tội đối với bị can trong vụ án này , cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định đề thi này đã được "công khai" hay chưa và thế nào là công khai để thi?

Ông Cường nêu quan điểm, đề thi đang còn niêm phong, chưa thực hiện thủ tục bóc mở đề thi mới là chưa công khai, khi đó mới là tài liệu bí mật nhà nước. Còn đối với các đề thi đã được bóc, mở, được công khai cho các thí sinh trong phòng thi, trong kỳ thi đó rồi sẽ không được gọi còn được coi là tài liệu bí mật nhà nước.

Khi đó việc bảo vệ đề thi không theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước mà sẽ bảo vệ theo quy chế của kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh vi phạm về bảo mật đề thi sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy chế chứ không bị áp dụng chế tài của pháp luật.

Vì thế, ông vị chuyên gia cho rằng, vụ án này đang trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra chưa có kết luận và tòa án cũng chưa xét xử nên rất có thể sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm bảo mật đối với đề thi và cách thức xử lý đối với hành vi vi phạm là xử lý kỷ luật hay xử lý bằng chế tài hình sự.

Vấn đề này cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiếp tục làm rõ, đánh giá chứng cứ, trên cơ sở các quy định của pháp luật để kết luận bị can có phạm tội hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Bị can chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án, kết quả giải quyết vụ án cũng sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Trường hợp các bị can cho rằng hành vi của mình chỉ là vi phạm quy chế thi, vi phạm kỷ luật, cho rằng đề thi đã được công khai (đã bóc đề và công khai cho các thí sinh), thời gian làm bài đã kéo dài 60 phút, nếu không đồng ý với quyết định khởi tố bị can, bị can có thể khiếu nại đối với quyết định khởi tố và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét giải quyết đối với những yêu cầu này.

"Việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can là thẩm quyền của cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Trong trường hợp vụ việc này được đưa ra xét xử và tòa án đồng ý với quan điểm truy tố của viện kiểm sát về việc quy kết bị can có tội, kết quả xét xử kết luận có tội, bị cáo trong vụ án này phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 5 đến 10 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 337 Bộ luật hình sự" – ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem