Liên quan đến việc bắt giữ hai cán bộ gây oan sai trong vụ án oan của ông
Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) hơn 10 năm về trước, theo quan điểm của các luật sư, việc tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cán bộ khác có liên quan trong vụ án này là vô cùng cần thiết.
Cán bộ làm sai đối mặt 15 năm tù?Như đã thông tin, ngày 9.5, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hai cán bộ để làm rõ những hành vi sai phạm trong quá trình điều tra, xử lý vụ án của ông
Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cách đây hơn 10 năm. Hai cán bộ bị khởi tố là ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Cả hai bị can trên cùng bị khởi tố về hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 Bộ luật Hình sự.
Thông tin này cũng được đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang xác nhận ngay sau đó. Ông Chức cho biết, khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với thượng tá Trần Nhật Luật thì cơ quan công an chưa có quyết định xử lý về chức vụ và Đảng đối với ông này. Đối với trường hợp các cán bộ công an khác có liên quan (theo như lời ông Chấn đã tố cáo – PV), ông Chức cho biết đều thuộc thẩm quyền xử lý của VKSND Tối cao. Còn đối với trường hợp ông Đặng Thế Vinh, một lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang cho biết các quyết định xử lý về chức vụ và Đảng đối với bị can này đều được làm theo quy trình.
Là người đặc biệt quan tâm đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn và từng có nhiều bài viết chia sẻ về tính pháp lý trong vụ án này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ thái độ cương quyết bảo vệ công lý khi Cơ quan điều tra của VKS Tối cao bắt tạm giam hai cán bộ trực tiếp điều tra và giám sát vụ án này. Tuy nhiên, luật sư Tiến cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm nhiều cá nhân khác cũng như Thủ trưởng cơ quan điều tra dẫn đến oan sai kéo dài trong vụ án này.
Theo lời luật sư Tiến, động thái quyết liệt trên là hành động đúng đắn của Cơ quan điều tra - VKSND Tối cao. Bước đầu, cơ quan này đã đưa những cán bộ cố tình làm sai chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Ông Chấn cùng người thân òa khóc được trở về gia đình sau 10 năm tù.
“Trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, hành vi phạm tội của điều tra viên và kiểm sát viên đã xâm phạm hoạt động tư pháp của các cơ quan điều tra, kiểm sát gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đẩy một người vô tội đi tù oan sai 10 năm trời ròng rã, đẩy một gia đình rơi vào bi kịch nhà tan, cửa nát. Theo quy định của pháp luật, hai cán bộ bị bắt nói trên hoàn toàn phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù giam”, luật sư Tiến nhấn mạnh.
Lý giải điều này, vị luật sư đoàn Hà Nội cho biết: “Ở khoản 2, Điều 300 Bộ luật Hình sự có thể áp dụng khung hình phạt tăng nặng một cách nghiêm khắc bởi tính chất có tổ chức. Tính chất này đã được thể hiện ở chỗ vụ án đã được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng qua ba giai đoạn tố tụng, từ điều tra, truy tố, xét xử nhưng vẫn xử oan người vô tội. Có sự chỉ đạo là việc căn cứ vào các quy định của pháp luật đã quy định rõ cơ quan điều tra, VKS, tòa án được làm những gì và thẩm quyền đến đâu”.
Cũng theo lời luật sư Tiến, dưới góc độ dư luận, việc làm tích cực của cơ quan điều tra, VKSND Tối cao đã lấy lại niềm tin của người dân đối với hệ thống cơ quan và cán bộ ngành tư pháp. Vì vậy cần phải xem xét xử lý nghiêm khắc theo quy định đối với những người này thì mới có đủ sức răn đe nhằm giảm thiểu tối đa oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử án hình sự.
Cần tiếp tục mở rộng điều traCùng trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư La Văn Thái (Giám đốc Công ty luật Tầm nhìn & Thịnh vượng) lại cho rằng: Ngoài việc điều tra các cán bộ trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn về hành vi vi phạm quy định tại Điều 300 BLHS, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cần tiếp tục xác minh điều tra bổ sung các điều tra viên, kiểm sát viên về các hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không có tội và xác định rõ hành vi bức cung, dùng nhục hình (theo Điều 299, 298 BLHS).
Luật sư Thái phân tích: “Trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao cần phải xác định rõ thêm hai hành vi và khởi tố vụ án với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với thủ trưởng cơ quan, sau đó cần xem xét thêm tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội đối với cán bộ trực tiếp thụ lý, điều tra vụ án”.
“Cụ thể, bản thân ông Nguyễn Thanh Chấn không nhận tội, liên tục kêu oan mà có được những bản khai, bản cung, kết luận điều tra, cáo trạng truy tố trong đó có nội dung ông Chấn đã nhận tội thì có nghĩa phải có sự tác động nhất định về tâm lý hoặc dùng nhục hình buộc ông phải thực hiện việc nhận tội đó”, luật sư Thái nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Chấn quỳ trước vong linh người cha là liệt sĩ khẳng định mình bị ép cung, bắt nhận tội.
Tuy nhiên sau đó, vị luật sư cũng bày tỏ quan điểm từ kinh nghiệm thực tế: “Thường thì các thủ trưởng đều chỉ đặt bút ký duyệt sau khi cấp dưới đã hoàn thành toàn bộ nội dung vụ việc. Thế nên chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người ký duyệt khi làm rõ được rằng họ biết về việc oan sai nhưng vẫn ký”.
Trách nhiệm bồi thường thuộc ai?Về vấn đề bồi thường cho ông Chấn, luật sư La Văn Thái cho rằng, ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 300 BLHS chắc chắn các cán bộ vi phạm phải bồi thường theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước. Theo đó, hai cán bộ vi phạm phải bồi thường theo Điều 26, quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Nghĩa vụ bồi thường sẽ gồm tất cả nhưng tổn hại thực tế mà gia đình ông Chấn gặp phải như: Gia đình ông mất đi người lao động chính, cùng với đó, vợ ông cũng mắc bệnh và nhập viện. Đó là chưa kể tới những tổn thương về tinh thần, danh dự và sức khỏe mà ông đã phải chịu đựng trong suốt 10 năm tù oan. Trước mắt, tòa án sẽ có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, sau đó những cán bộ này sẽ phải hoàn trả lại số tiền đó cho tòa.
Cũng bàn về vấn đề này, luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh – Hà Nội) lại đưa ra những quan điểm khá khác biệt. Luật sư Diện cho hay, chính cơ quan tố tụng sẽ phải đứng ra đền bù cho ông Chấn trước, sau đó mới truy thu tiền từ những người làm sai.
“Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn theo tôi, phải căn cứ các quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thực hiện, bản thân các bị can trong vụ án này họ là những người tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ, thực hiện công vụ đại diện cho cơ quan chứ họ không vì tư thù, động cơ, mục đích cá nhân.
Tuy nhiên, họ đã thực hiện sai quy trình, quy định trong hoạt động tư pháp mà mình phụ trách nên dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. Vậy họ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn trong trường hợp này, vì những bị can này đã trực tiếp làm sai lệch hồ sơ vụ án một cách có hệ thống, hồ sơ được tiến hành một cách đầy đủ, kín kẽ khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác không thể phát hiện sai phạm để khắc phục.
Tôi cho rằng trong trường hợp này, theo quy định thì cơ quan tiến hành tố tụng phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau đó thu hồi khoản bồi thường này từ những cán bộ sai phạm của mình thì mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn, đồng thời phương án này phù hợp quy định, bảo đảm tính khả thi và khả năng thực hiện trên thực tế”, luật sư Vi Văn Diện cho biết.
ĐSPL (Theo ĐSPL)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.