Cán bộ nguồn Việt Nam trốn ở lại Mỹ

Hải Phong - Tuệ Minh Thứ tư, ngày 13/08/2014 10:31 AM (GMT+7)
Phó phòng hợp tác quốc tế Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ là ông Trần Ngọc Phi Long đi công tác Canada nhưng tự ý tách đoàn rồi trốn sang Mỹ.
Bình luận 0

Ông Long tới Mỹ từ đầu tháng 7 rồi gửi thư xin nghỉ việc cho lãnh đạo sở qua đường bưu điện.

Giám đốc sở Phạm Thế Vinh xác nhận tin này, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Nhiều khả năng trường hợp này sẽ bị xử theo Luật công chức...

Ông Long là cán bộ nguồn, là một trong 150 người xuất sắc, có triển vọng nên được đi đào tạo ở nước ngoài sau đại học với bằng thạc sĩ theo đề án 150 của TP Cần Thơ. Địa phương "đầu tư" cho ông khoảng 300 triệu đồng.

“Chảy máu” cán bộ, công chức 

Trước đó, hai cán bộ của Bộ Công Thương bỏ trốn lại Mỹ, theo thông tin từ Bộ này, một là bà N.H.G - nguyên Tùy viên thương mại tại Mỹ. Bà này đã không hoàn thành thủ tục kết thúc nhiệm kỳ công tác theo quy định, tự ý nghỉ việc ở lại nước ngoài.

Trường hợp thứ hai là ông B.N.L - chuyên viên Vụ Chính sách thương mại đa biên. Ông này lợi dụng việc đi học ở nước ngoài đã tự ý nghỉ việc, ở lại nước ngoài. Cả 2 người bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

img

Minh họa của Khều!

Lật dở lại hồ sơ thì những vụ cán bộ công chức được Nhà nước cử đi công tác tại nước ngoài rồi nhân tiện bỏ trốn luôn không phải là hiếm. Có thể kể tới trường hợp của một cán bộ thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận cũng đã lợi dụng việc đi du lịch rồi bỏ trốn luôn ở nước ngoài.

Cụ thể, trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, ông Nguyễn Tất Thạch- cán bộ biên chế của trung tâm này đã đăng ký đi Hàn Quốc theo một tour du lịch không xin phép cơ quan với lịch trình từ 28.4 đến ngày 1.5. Tuy nhiên, ngày 1.5, trong khi đoàn du lịch đi vào một chợ tại Hàn Quốc để mua đồ lưu niệm, ông Thạch đã bỏ trốn.

Trước đó, tháng 3.2013, hai tuyển thủ đua thuyền rowing Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng), Lương Đức Toàn (Hà Nội) khi đi tập huấn ở ở Australia, rồi cũng trốn ở lại đây.

Hơn 2 năm trôi qua sau sự cố đó, trao đổi với NTNN chiều 31.7, ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng bộ môn Đua thuyền Tổng cục TDTT cho biết: “Chúng tôi phải tập trung cho chuyên môn nên cũng không để ý đến 2 VĐV này nữa. Nghe các VĐV khác nói lại thì Đông và Toàn đang sống khỏe bằng nghề lao động do có người thân đã sang đó định cư lâu năm, lập công ty riêng. Họ vẫn thường xuyên gửi tiền về cho gia đình”.

Xa hơn, năm 2002, nhân chuyến tập huấn tại Hàn Quốc chuẩn bị ASIAD, 2 tuyển thủ vật Phí Hữu Sơn, Tạ Đình Đức cũng "mất tích". Cũng trong năm 2002, một đô vật khác của Hà Nội đã trốn ở lại Hàn Quốc sau chuyến thi đấu biểu diễn. Tháng 3.2008, sau khi kết thúc giải vật tự do và cổ điển tại Hàn Quốc, 3 tuyển thủ vật là Dương Đình Nam, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Doãn Dũng (HCV SEA Games 2007) bỏ trốn ngay tại sân bay Incheon.

Chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng, nhưng tình trạng cán bộ công chức “đào ngũ”, trốn ra nước ngoài cũng khiến cho các cơ quan nhà nước phải đối phó với nhiều vấn đề khá nan giải: Ngoài bài toán lãng phí tiền của, vật lực Nhà nước đã bỏ ra để đào tạo nguồn nhân lực này thì còn có bài toán về quản lý con người, đặc biệt với những cán bộ, công chức đang đảm đương những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, giữ những đầu mối thông tin liên lạc không kém phần quan trọng.

Trao đổi với PV NTNN, GS-TSKH Phan Xuân Sơn – Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Trong Luật Cán bộ công chức 2008, tại Điều 8 đã quy định: Cán bộ công chức phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia. Ngoài ra, tại Điều 19 của luật này cũng quy định cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 5 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.

Theo GS-TSKH Phan Xuân Sơn, quy định là như vậy, nhưng chúng ta chưa có chế tài xử lý đủ mạnh với những trường hợp cán bộ công chức “đào ngũ” như thế này, chưa có quy định luật pháp điều chỉnh chuyện này, cao nhất cũng chỉ ở mức buộc thôi việc trong khi họ đã chủ động tự ý nghỉ việc từ trước nên quy định này rõ ràng chẳng có tác dụng răn đe.

“Việc họ làm rõ ràng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật. Tôi không dám nói là họ có mắc tội “phản bội Tổ quốc” hay không, nhưng khả năng những cán bộ công chức “đào ngũ” (đặc biệt là những người giữ vị trí quan trọng) có thể làm lộ bí mật quốc gia khi vị trí công tác của họ giúp họ tiếp cận với những thông tin, nguồn tin dạng mật của Nhà nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.”- GS-TSKH Phan Xuân Sơn nói.

 Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, tháng 12.2013, cả đoàn khách 15 người Việt Nam đã “mất tích” ở Israel. Đoàn khách này do một công ty ở Hà Nội tổ chức thông qua việc gom khách lẻ. Đầu tiên còn 2 người, rồi chỉ còn 1 người, cuối cùng chẳng còn ai cả. Họ trốn mà không cần hộ chiếu. Tuy nhiên, trong số khách này bao nhiêu người là cán bộ công chức thì Tổng cục Du lịch không nói rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem