Cần "Bộ quy tắc ứng xử trên MXH" để ngăn chặn thông tin xấu, độc?

Thành An Thứ tư, ngày 12/12/2018 06:30 AM (GMT+7)
“Thời gian qua Bộ TTTT đã tập trung xây dựng, chủ động phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức có nhiều giải pháp loại bỏ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội (MXH) nhưng không thể loại trừ mặt trái, chỉ có thể hạn chế mặt trái của MXH. Vì vậy cần bộ quy tắc “mềm” để ứng xử mang tính pháp lý chính thức của nhà nước là rất cần thiết", Thứ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh.
Bình luận 0

Cần quy tắc "mềm" xử lý tin xấu

Phát biểu tại hội thảo góp ý kiến xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, MXH đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, trên mạng MXH đã xuất hiện những thông tin nói xấu, độc hại như các phát ngôn nói xấu, phỉ báng, thông tin sai trái có tính chất chính trị, nạn tin giả trên MXH cũng rất phổ biến; tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật trên MXH; hành vi cung cấp thông tin không phù hợp về chuẩn mực đạo đức… gây ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân.

img

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.A

“Thời gian qua Bộ TTTT đã tập trung xây dựng, chủ động phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức có nhiều giải pháp loại bỏ thông tin xấu, độc trên MXH nhưng không thể loại trừ mặt trái, chỉ có thể hạn chế mặt trái của MXH. Vì vậy có khuôn khổ, thể chế “mềm”, cần bộ quy tắc “mềm” để ứng xử mang tính pháp lý chính thức của nhà nước là rất cần thiết. Mục tiêu của bộ quy tắc ứng xử là thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả mặt trái, lan truyền thông tin xấu độc trên mạng”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Báo cáo về kết quả nghiên cứu Bộ quy tắc, ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) cho biết, quy tắc ứng xử trên MXH được phân chia cho các đối tượng cụ thể. 

Theo đó, đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cần ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực. Tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không cung cấp thông tin của người sử dụng cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin. Đồng thời, phải ban hành các biện pháp và công khai biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nghiện sử dụng MXH, có biện pháp ngăn ngừa trẻ em, trẻ vị thành niên tiếp cận các nội dung về bạo lực, nội dung dành cho người trưởng thành và các nội dung không phù hợp khác…

img

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo (Ảnh: T.A)

Đối với người sử dụng MXH, phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên MXH của tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên mạng xã hội. Đăng kí với nhà cung cấp dịch vụ để xác định thương hiệu, tên hiệu và địa chỉ trang MXH (dấu tích xanh).

Theo thống kê, hiện nay số người có tài khoản Facebook ở nước ta khoảng 60 triệu, có khoảng 100 triệu người sử dụng Zalo. Đây là 2 MXH có tỷ lệ người dùng lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, còn có các mạng khác có nhiều người sử dụng như YouTube, Instagram, Twiter, Viber,...

Phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan công tác; Ứng xử trên MXH văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính…

Đặc biệt, Bộ Quy tắc cũng yêu cầu người sử dụng không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên MXH; Ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực; Ứng xử trên mạng xã hội trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; Cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến các cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.

Ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên MXH là cần thiết

Khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng MXH là môi trường ảo nên nên có hể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng MXH nước ngoài cung cấp cho Việt Nam.

img

PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thành An

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang - Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong nhiều trường hợp, MXH đang chiếm ưu thế so với các phương tiện truyền thông. “Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp MXH có tác động rất lớn trong việc tạo dựng, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt tại một số thời điểm nhạy cảm trong một số vụ việc mất an ninh trật tự”, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang cho hay.

Bên cạnh đó, theo PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, một thực tế nhận thấy, trên các MXH đang tồn tại rất nhiều những nội dung cuồng tín, phản động, tội phạm,… sử dụng MXH để phục vụ cho mục đích xấu, có thể là bôi xấu hình ảnh của cá nhân, tổ chức nào đó hoặc lợi dụng để can thiệp công việc nội bộ các nước khác.

“Việc cần thiết phải ban hành Bộ quy tắc trên là điều không cần phải bàn cãi, tuy nhiên làm thế nào để Bộ quy tắc đi vào cuộc sống, để không bị lãng quên như không ít bộ quy tắc khác là điều cần bàn tới”, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), tại Việt Nam, Bộ TTTT đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 mạng xã hội, như: Facebook, Youtube, FB Mesenger, Zalo, Google+, Mocha… Đây cũng là những mạng có số lượng người sử dụng đông nhất.

Theo báo cáo năm 2018 của We are Social, Facebook hiện có khoảng 55 triệu thành viên, chiếm 57% dân số. Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.

Về cơ cấu người sử dụng MXH Việt Nam, nhóm tuổi đông nhất sử dụng mạng xã hội như Facebook hiện nay đang là nhóm 25-34 tuổi (tăng 20%); Xu hướng video live-stream đang là một xu hướng nổi bật nhất hiện nay của người dùng mạng xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem