Ở nhiều bản người dân tộc thiểu số của Lai Châu, như dân tộc Thái, gầm nhà sàn chỉ để bà con nuôi, nhốt gà, lợn, để xe máy, cái cuốc, cái cày, gỗ, củi... Nhưng cái khoảng không gian này nay lại đang phát huy thêm tác dụng “bất đắc dĩ” dùng làm trụ sở xã, dùng để khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Tình trạng này đang xảy ra tại xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu). Cả bộ máy của xã hơn một năm nay đang phải gồng mình hoạt động trong... gầm sàn.
Một góc văn phòng xã
Ngày 23.9, chúng tôi có mặt tại "trụ sở" xã Tà Hừa khi xã này đang trang nghiêm tổ chức lễ kết nạp Đảng viên mới trong... gầm sàn. Cũng phải nói thêm ngay là trong chuyến công tác này chúng tôi được cán bộ huyện Than Uyên dẫn đường, nếu không chắc phải mất rất nhiều thời gian để tìm thấy "trụ sở" xã Tà Hừa bởi "trụ sở" không có biển hiệu nơi cổng ra vào, mà nó chỉ là gầm sàn của một gia đình trong bản, phía trên sàn cắm cờ tổ quốc như nhiều hộ dân khác nơi đây.
Xung quanh trụ sở được quây bạt. Trong "trụ sở" được trang trí giống như phòng họp, mà cũng giống như cả phòng truyền thống. Tài liệu, hồ sơ giấy tờ được treo rất nhiều trên các xà nhà ngay cạnh bàn làm việc của từng thành viên Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân xã... Xã Tà Hừa tiếp khách các cấp cũng dưới gầm sàn.
Trao đổi với các lãnh đạo của xã Tà Hừa, chúng tôi được biết, từ tháng 6.2012, thực hiện chương trình di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, trụ sở xã cũng bị ảnh hưởng vùng ngập lòng hồ và phải chuyển địa điểm. Nhưng do chưa có vốn đầu tư xây dựng trụ sở, huyện chỉ đạo xã làm nhà tạm để làm việc và xã Tà Hừa đã bàn bạc thống nhất quyết định thuê tạm hai gầm sàn nhà ở bản Khì để làm việc.
Trong đó, một gầm sàn là nơi làm việc của Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy, lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các ngành thuộc khối Ủy ban Nhân dân xã, Văn phòng xã. Một gầm sàn là nơi làm việc của 5 đoàn thể xã, công an và xã đội trưởng.
Trong quá trình làm việc tại đây, xã Tà Hừa gặp nhiều bất tiện như không đảm bảo về vấn đề tiếp công dân, họp ban thường vụ, bảo vệ tài sản của xã. Điện lưới chưa có nên xã phải dùng máy nổ phát điện, nhiều khi phải dùng cả nến để thắp sáng. Việc đánh văn bản trên máy tính nhiều khi phải mang ra tận huyện mới làm được...
Trạm y tế xã cũng có trụ sở là gầm sàn nên công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân nơi đây gặp nhiều bất ổn. Anh Lò Văn Tuấn, Trạm trưởng trạm y tế xã Tà Hừa cho biết công tác vô khuẩn không bao giờ đảm bảo, "trụ sở" tạm không có phòng chức năng, trang thiết bị chất đống trong gầm sàn. Xung quanh "trụ sở" trạm được vây lưới thép và quây bạt. Không có chỗ tiêu hủy bông băng, không có điện, nước... Tất cả đều nhờ vả một gia đình ở bản Cáp Na 1 (xã Tà Hừa).
Nhưng do phong tục tập quán người dân nơi đây, gia đình cho mượn tạm gầm sàn này cũng không muốn có ai sinh đẻ ở nhà mình nên trạm cũng rất ái ngại với những ca sinh nở, bị thương... Có lẽ cũng chính vì điều kiện hết sức bí bách này mà hơn một năm nay, trạm không có bệnh nhân nội trú và cũng không có một ca nào sinh đẻ tại "Trụ sở trạm."
Doanh nghiệp thi công có nguy cơ phá sảnÔng Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên cho biết không chỉ xã Tà Hừa, xã Pha Mu của huyện cũng đang phải chịu chung tình cảnh cả bộ máy của xã làm việc trong gầm sàn, khám chữa bệnh trong gầm sàn.
Ngoài ra, trên các vùng, điểm tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát ở huyện Than Uyên còn đến 60% công trình trường học chưa được xây dựng hoặc đã xây rồi chưa có nguồn thanh toán.
Nguyên nhân chính là trong quá trình thực hiện các dự án di dân tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát, do thời gian kéo dài gây lạm phát, trượt giá, phát sinh nguồn vốn vượt khỏi quy hoạch tổng thể ban đầu nên nhiều công trình mới lập dự án, phê duyệt và vẫn phải chờ nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chờ Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể thì mới có cơ sở để huyện tiếp tục triển khai.
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên còn cho biết thêm cho đến nay huyện đã nợ các dự án thành phần khoảng 70 tỷ đồng. Điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thi công các dự án thành phần này lâm vào nguy cơ phá sản...
Trước mắt, huyện Than Uyên đã động viên các xã còn gặp nhiều thiếu thốn nhất là về cơ sở hạ tầng chia sẻ khó khăn với các cấp, các ngành, đồng thời trích nguồn ngân sách nhà nước, chỉ đạo, hỗ trợ các xã này làm nhà tạm làm việc, làm trường lớp tạm để dạy học.
Chúng tôi còn được biết, cũng do thiếu vốn để thực hiện chương trình tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát, mà gần đây xuất hiện hiện tượng nhiều người dân cùng kéo nhau lên Ban quản lý dự án của huyện Than Uyên để hỏi chính sách, khiếu nại. Và đã xảy ra chuyện có lãnh đạo huyện, lãnh đạo Ban quản lý dự án của huyện Than Uyên, huyện Tân Uyên xuống cơ sở bị một số người dân tái định cư quá khích, bức xúc bắt, nhốt vào nhà trường, nhà văn hóa xã.
Ông Vũ Văn Tiệm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khởi Nguyên (ở phường Tân Phong, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu), là một trong số những đơn vị đã và đang tham gia xây dựng nhiều công trình của dự án di dân tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát, cũng cho biết hiện nay hai Ban quản lý dự án Than Uyên và Tân Uyên đang nợ công ty khoảng 30 tỷ đồng. Nếu đến quý IV tới mà các Ban không giải ngân, trả cho công ty thì công ty sẽ bị phá sản bởi hiện tại đang phải đi vay lãi ngày để về thi công công trình.
Một góc “trụ sở” xã
Cả bộ máy chính quyền hoạt động dưới gầm sàn
Khám chữa bệnh trong gầm sàn tại Trạm y tế Tà Hừa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.