Cần “buộc” trách nhiệm khi có sự cố

Thứ năm, ngày 28/10/2010 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không khí thảo luận tại nghị trường chiều 27-10 "nóng" lên với ý kiến của 17 đại biểu “xoáy” vào các vấn đề đang thu hút sự quan tâm, như chiến lược khai thác khoáng sản và trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác đối với quyền lợi người dân cũng như bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Thiếu hụt chiến lược khai thác hợp lý

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) mở đầu phiên thảo luận, nêu vấn đề thiếu hụt một chiến lược về khai thác khoáng sản, đặc biệt là những khoáng sản chiến lược.

img
Khai thác than tại Quảng Ninh

"Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu có nhiều khoáng sản quý như đất hiếm hay dầu mỏ. Tuy nhiên họ chỉ khai thác một cách hạn chế và chủ yếu mua của nước ngoài. Đó là một bài học và các nước khác cũng phải học theo đó mà làm. Những cái gì mà tài nguyên thế giới cạn kiệt hoặc là hạn chế thì chúng ta phải có chiến lược ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ trong nước trước".

Theo ông Xuân, than đá hiện chỉ còn vài năm nữa là hết hoặc không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, nhưng có điều vô lý là than vẫn được xuất khẩu tràn lan ra nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lấy ví dụ trực tiếp về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, khi cho rằng khó có ai dám đảm bảo quá trình khai thác sẽ không phát sinh những vấn đề bất cập về môi trường.

Liên hệ đến hai sự cố gần đây là tai nạn sập hầm mỏ ở Chile và vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, ông Hùng nhấn mạnh: "Toàn bộ dự thảo Luật không có nội dung nào nói về quy định trách nhiệm xử lý giải quyết khi có sự cố về môi trường xảy ra mà những sự cố này có thể xảy ra. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung thêm một điều khoản xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý các sự cố phát sinh về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác".

ĐB Tống Văn Thoóng (Lai Châu) nhấn mạnh: Nếu để doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương thôi thì tôi cho rằng sẽ không có hiệu quả. Phải có chế tài buộc doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với địa phương chuyển đổi sản xuất, bồi thường cho nhân dân bị ảnh hưởng trong quá trình khai thác khoáng sản.

Quyền lợi của nhân dân cần rõ ràng

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) khẳng định, thực tế hiện nay cho thấy, khi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thu lợi nhuận cao thì cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản lại chịu nhiều thiệt thòi do không được chia sẻ công bằng và phải chịu rất nhiều những tác động bất lợi, như môi trường sống ô nhiễm, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp và tệ nạn xã hội phát sinh.

Tại phiên thảo luận, một số ĐB kiến nghị cần thuê các công ty, tổ chức, các nhà khoa học để biết các mỏ khai thác có trữ lượng thế nào, cần phải khai thác trong bao nhiêu năm, khai thác ra sao, khai thác ở đâu trước, ở đâu sau. Ngoài ra, nhiều ĐB đề nghị phải có một biện pháp quản lý với những công cụ, biện pháp, kinh phí, con người phù hợp để ngăn chặn các loại "tặc" hoạt động như hiện nay.

"Một khi lợi ích từ khai thác tài nguyên khoáng sản không được chia sẻ hợp lý giữa doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng thì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột xã hội. Do đó cần có những quy định cụ thể mang tính định lượng mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn ở những khu vực mỏ khai thác khoáng sản" - bà Lan nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề nghị cụ thể hơn: "Cần có quy định rõ ràng hơn, như tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản dựa trên doanh thu của đơn vị theo mức, ví dụ như Nhà nước 40%, nhân dân địa phương 30%, và doanh nghiệp khai thác 30% để bảo đảm được quyền lợi của nhân dân địa phương".

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến này. Bà cho rằng nếu quy định rõ chính sách đối với khoáng sản như trên, thì sẽ đảm bảo được tính thống nhất của pháp luật là công khai, minh bạch và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về sở hữu toàn dân đối với khoáng sản từ trước đến nay.

ĐB Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) cho rằng, người dân nhiều khi không mặn mà với với việc khai thác tại địa phương mình vì họ không được hưởng lợi và thấy rằng "lợi bất cập hại". "Không phải ai cũng được tuyển dụng vào doanh nghiệp khai thác, vì thế phải quan tâm đến việc chuyển đổi việc làm cho người dân. Việc bố trí này cũng phải theo nguyên tắc việc làm mới phải bằng hoặc tốt hơn việc làm cũ" - ông Quý nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem