Một lần, có nữ sinh lớp 12 lướt qua cổng trường lại dám cả gan chê: "Cả trường này chả có ai xinh bằng mình", tức thì cô bé nhận ngay một trận mưa đòn từ nó. Chưa hả giận, nó dùng dao lam kẹp vào ngón tay tát làm rách mặt nữ sinh kia.
Nhưng đó chỉ là những đòn... vớ vẩn, theo lời nó thì cô nàng nào bị nó đánh, kiểu gì cũng được khuyến mãi thêm màn... uống nước cống kèm theo. Đến phi vụ cuối cùng, nó bị lập hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng.
Thích là chiến
T. "còi" khá xinh. Nó lớn trước tuổi nên cái biệt danh "còi" trong "giang hồ" có lẽ để giễu một cách hài hước cái hình hài lớn đùng của nó. Tóc dài đen mướt, mắt nó khi không đánh bạn nhìn thật hiền, trò chuyện với tôi một điều "dạ", hai điều "vâng".
T. có cả em út và cũng có cả đám "anh xã hội". Hội của nó hơn chục đứa, đa số là bỏ học. Nó cũng học tới lớp 9 rồi bỏ. Nguyên nhân đơn giản cực, vì thời gian nó dành cho việc cầm quân đi... đánh nhau, đi nhảy Au đã chiếm hết thời gian lên lớp của nó. Không theo được, thế là bỏ học.
"Cháu là con gái, sao lại suốt ngày đi đánh nhau, không sợ đau à?" - tôi hỏi T.
Nó cười trừ: "Vào đây thì cháu mới biết đánh nhau là không hay, vớ vẩn còn phải đi tù, chứ ở ngoài kia, cháu ghét đứa nào là tẩn luôn. Nhìn thấy ngứa mắt là cháu không chịu được. Cô hỏi thế cháu cũng không biết trả lời thế nào, vì cháu đã bao giờ bị đánh lại đâu mà biết có đau hay không".
"À, thế hóa ra toàn đi bắt nạt bạn và chưa bao giờ bị đánh lại nên quen đúng không. Thế sao lại ngứa mắt?". "Vì bọn nó kênh kiệu, là ra vẻ ta đây, ôi giời, có nói cô cũng không hiểu đâu".
Cách đây vài năm, khi video clip nữ sinh đánh bạn đầu tiên được tung lên mạng, tôi đã từng đi tìm hiểu khá sâu về tình trạng nữ sinh đầu gấu ở trường học và cũng đã gặp không ít những cô nàng như T. "còi".
Và chợt nhận thấy đặc điểm chung ở những đứa trẻ này là chúng có suy nghĩ, quan niệm khá lệch lạc khi muốn chứng tỏ "cái tôi" của mình. Đa phần trong số ấy đều đua đòi, học dốt và có quan hệ với các thành phần đàn anh, đàn chị hư hỏng ngoài xã hội.
Một số ít sử dụng bạo lực để... làm ăn như trường hợp cô bé 14 tuổi My "sói" mới bị bắt cách đây không lâu, còn những đứa như T. "còi", đánh bạn chỉ để cho thỏa cái tâm lý đàn chị, không thích kẻ khác "hơn phân" mình và đôi khi để bảo vệ những đứa em của mình khỏi bị bắt nạt.
Khi còn ở nhà, trò giải trí mà T. "còi" thích nhất, ngoài việc đánh bạn, đó là nó cứ đứng trên ban công nhà mình, cầm cả bịch nilon đựng nước hoặc đổ nước vào quả bóng bay, chờ giờ tan trường, đến khi tìm được đứa "nhìn thấy ghét" là đổ ụp xuống, bất kể mùa đông hay mùa hè.
"Vui" hơn thì giằng cặp của các nữ sinh điệu đà ném vào thùng vôi mới tôi, có cô nàng khóc tức tưởi nhưng cũng đành bất lực trước điệu cười ngạo nghễ vì bắt nạt được người khác của nó.
T. "còi" nổi tiếng cả trường và cả tỉnh Y. (theo lời nó nói) vì các phi vụ đánh nhau. Có lần, một chị con nhà bác (kém nó 4 tuổi) bị bắt nạt, nó lập tức ra bênh. Bọn kia đông gần chục đứa nhưng nhìn thấy T. "còi" là vội vàng lủi mất.
Nó kể lại với tôi chuyện này bằng một giọng rất "tự hào": "Cháu có tiếng rồi nên bọn nó sợ. Cô cứ về quê cháu, hỏi T. "còi" thì ai cũng biết".
Cái máu giang hồ không biết ở đâu đã ngấm vào đứa trẻ này, tôi lặng ngắm nó một lúc lâu và thoáng liên tưởng đến một Phúc "bồ", một Dung "Hà" trong tương lai.
Thật may là nó đã giải tỏa giúp tôi băn khoăn toát mồ hôi ấy: "Vào đây, cháu được các thầy cô dạy bảo về pháp luật nên cũng hiểu ra nhiều điều. Nhiều lúc nghĩ lại thấy ân hận...".
"Tại cháu được nuông chiều quá"
T. bỏ học sớm, lang thang tụ tập với nhiều đối tượng phức tạp ngoài xã hội. Nó nghiện game và là đồ đệ của món "nhảy Au". "Le vồ" của nó là 24 - chưa phải là cao nhưng để luyện được đến cấp độ ấy, tức là cũng phải mất kha khá thời gian và cũng tốn khá nhiều tiền. Hình như chưa có một đứa trẻ nào vào trường Giáo dưỡng mà lại được sinh ra trong một gia đình hoàn thiện.
T. "còi" cũng vậy, nó kể rằng, bố mẹ nó bỏ nhau từ khi nó mới 5 tuổi, bố nó đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về. Nhưng đến năm nó học lớp 5 thì bố mẹ T. lại quay về sống với nhau. Việc tái hôn này khiến cuộc sống của nó tốt hơn nhưng cả bố cả mẹ đều muốn bù đắp những năm tháng nó sống thiếu thốn tình cảm nên đã ra sức chiều chuộng. Mẹ cho nó tiền nộp học, nó mang đi chơi game hết. Nó lại là con một nên đòi gì cũng được đáp ứng.
Bố mẹ không biết nó đã bắt đầu làm quen với những chốn ăn chơi không dành cho con nít. Bố mẹ cũng không kiểm soát được những mối quan hệ khác ngoài xã hội mà nó nhất mực tôn thờ.
Nó biết đi theo những đàn anh, đàn chị này tới những quán karaoke và làm quen với thuốc lắc, dù với nó "chỉ mới là thử bay cho biết". Nếu như chưa bị đưa vào Trường Giáo dưỡng, có khi giờ này ở ngoài xã hội, T. "còi" đã trở thành một dân bay "pờ rồ" không biết chừng.
Tôi đem nghi ngờ ấy hỏi nó, không ngờ T. "còi" gật đầu đồng tình. Nó kể rằng, mấy "ông anh xã hội" của nó đi đâu cũng dắt theo... phớ (dao) ở gầm xe, để khi cần là chiến luôn. Một lần, T. vào lớp của một "con em" ở trường khác chơi, đã nghe "con em" này kể bị một chị lớp 12 xuống gây sự và kéo vào nhà vệ sinh đánh.
Cay cú vì "em" mình bị bắt nạt, giờ tan trường, nó đợi "chị lớp 12" ở cổng trường với con phớ trong tay. Nhưng nhìn "chị" này, nó nghĩ không cần phải sử dụng đến phớ, vì vừa nhác thấy nó, "chị" đã tái mét mặt mày. Nó xông tới đấm chảy máu mắt cô nữ sinh kia, chưa hả, nó túm cổ ấn đầu nữ sinh này xuống bắt uống nước cống. Bao nhiêu học sinh, trong đó có nhiều đứa từng học cùng lớp với nó hồi cấp 2 chỉ dám đứng nhìn, không dám can vì sợ cái chất đầu gấu côn đồ của nó.
Lần khác, có cô bé mà theo lời T. thì "xích mích với cháu từ lâu rồi", cứ nhìn thấy nó là vênh mặt lên, giờ tan học lại còn dám đánh "em nó", T. "còi" mới điên tiết rút ngay cây mía trong quán nước vụt vào gáy cô bé rồi kẹp dao lam vào ngón tay tát, làm một vết dài trên mặt.
Bữa ấy, cô bé này phải nhờ anh trai tới can thiệp. Anh trai cô bé vốn biết tiếng T. "còi" nên đã nhờ người chú của T. nói hộ một tiếng bỏ qua. Buổi tối, bố mẹ cô bé xuống nhà T làm ầm lên, họ dọa viết đơn tố cáo tới cơ quan Công an, mẹ T. phải nói gãy lưỡi họ mới thông cảm. Nhưng dường như T. không để ý đến những chuyện đó, vài hôm sau, nó lại chặn đường đánh cô bé ấy lên bờ xuống ruộng.
Có lẽ, T. đã không ngông cuồng như thế nếu không có sự cổ vũ của đám em út và được sự chống lưng của đám đàn anh. Mỗi lần nó đánh người, bạn bè nó đều cầm điện thoại và quay lại, coi như một chiến tích để thỉnh thoảng mở ra xem khoe khoang với nhau. Có video clip đã được post lên mạng, thế nên nó bảo "cả tỉnh Y. biết cháu" cũng là không ngoa.
Đầu gấu thế nhưng thật lạ là nó đã có người yêu - một anh chàng ngoan ngoãn và học giỏi là khác. Anh chàng này cũng biết những phi vụ đánh bạn mà nó gây ra vì nó quá ư là nổi tiếng, nhưng anh ta vẫn yêu và luôn khuyên nó không nên hành xử kiểu thiếu nữ tính như thế.
Cho đến bây giờ, chàng trai ấy vẫn không biết người yêu mình đã vào Trường Giáo dưỡng, vẫn tưởng là T. đang ở nhà người bác trong Sài Gòn.
Bây giờ thì nó hiểu, một trong những nguyên nhân khiến nó hư, là do bố mẹ đã quá nuông chiều. Thật may là nó đã nhận ra sớm, khi mà hậu quả chưa đến nỗi tồi tệ.
Ngày trước ở nhà, mẹ nó bán hàng ăn nhưng nó chẳng bao giờ đỡ đần gì cho mẹ, suốt ngày chỉ biết la cà quán net. Còn bây giờ, nó đã biết tự giặt quần áo, biết trồng rau, tưới cây trong mỗi giờ lao động. Và nó tiếp tục được học lớp 9 trong trường, theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vào đây, nó còn được học múa, học hát.
Gì chứ mấy cái động tác múa hiện đại đang dàn dạt trên các sân khấu, nó cũng như nhiều đứa nhìn cái là làm theo được liền. Chúng giỏi là vì... đi lắc nhiều, thế nên nhiều khi cô giáo chủ nhiệm chỉ cần hướng dẫn qua là chúng làm theo đúng y chang, nói là sáng dạ cũng không sai.
Buổi tối hôm nay, tôi ngồi ngoài sân trò chuyện với T. "còi", nó chép miệng: "Giờ này không biết người yêu em đang làm gì", tôi hỏi nó: "Em có sợ cậu ấy biết mình bị đưa vào đây không". Nó gật đầu: "Chắc là anh ấy bỏ em thôi". Tôi an ủi nó: "Nếu em ngoan, nếu em không còn đánh nhau nữa thì chắc là cậu ấy sẽ tha thứ cho em".
Một thoáng ngậm ngùi hiện lên trong mắt đứa con gái chưa đủ 18 tuổi. 1 năm nữa nó sẽ "tốt nghiệp" Trường Giáo dưỡng, hy vọng là nó sẽ đủ lớn để mà chán ghét mấy cái trò đánh bạn, một tệ nạn đang lan truyền trong rất nhiều trường học.
Những nữ sinh như T. đã thật sai lầm khi cho rằng, làm thế mới oách, mới là kẻ mạnh, mới thể hiện được cái tôi. Bao giờ chúng mới hiểu một điều, kẻ mạnh chỉ có thể là người nâng đỡ những kẻ yếu hơn trên đôi vai của mình...
Theo Cảnh sát toàn cầu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.