Nằm ở thượng nguồn sông Hồng, đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, Yên Bái) thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và những anh hùng dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng - ba vị tướng tài đã lãnh đạo người dân tộc thiểu số góp sức giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông.
Đền Đông Cuông - nơi có tục treo cổ trâu trắng cho đến chết để làm vật tế thần.
Đền từng đứng trước nguy cơ bị san ủi để lấy đất canh tác từ những năm 90 thế kỷ trước. Kể từ khi được khôi phục, một số tập tục trong lễ hội đền Đông Cuông cũng được phục dựng lại, trong đó có việc treo cổ con trâu trắng lên cây mít có tuổi đời trên 300 năm trước cửa đền để tế thần linh.
Lễ treo cổ con trâu trắng vào lúc 0 giờ ngày Mão đầu năm mở đầu lễ hội đền Đông Cuông.
Cụ Hà Văn Giấy (79 tuổi - người được giao nhiệm vụ thủ từ nhiều năm qua) cho biết, việc chọn con trâu trắng làm vật hiến tế có nguồn gốc sâu xa: Con trâu gắn với nền nông nghiệp lúa nước, hiến tế trâu trong lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hòa.
Cây mít cổ thụ tọa lạc trước cổng đền Mẫu Đông Cuông.
Cụ Giấy cho biết: Trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc, những con vật màu trắng (gà trắng, ngựa trắng, trâu trắng…) là những con vật đẹp đẽ, quý hiếm, do đó, lễ vật tế thần bao giờ cũng được lựa chọn những đồ đẹp nhất, với ước mong một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, không có thiên tai địch họa; mùa màng bội thu, nhà nhà yên ấm. Việc, chọn trâu trắng làm vật hiến tế bắt nguồn từ lý do đó.
Con trâu trắng trước khi được hiến tế phải được tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun từ các loại lá thơm; sau đó lấy tấm vải lau khô, phủ vải điều đỏ trên lưng rồi dẫn ra gốc cây mít cổ thụ - nơi đó đã được quàng sẵn một sợi dây chão to...
Luồn dầu dây thong lọng vào cổ trâu, một nhóm thanh niên khỏe mạnh sẽ kép sợi dây chão để treo trâu lên cành mít mọc ngang trước cửa đền. Sau một hồi giãy giụa, con trâu tắt thở, đầu quay vào đền được hạ xuống tấm bạt lớn đã trải dưới đất. Nó được mổ tại sân đền để làm cỗ cúng dâng lên Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và các vị Thần Vệ Quốc.
Cụ Hà Văn Giấy - người trông coi đền Đông Cuông nhiều năm nay cho biết, cành mít vẫn dùng để làm giá treo trâu trắng mới bị gãy do mọt.
Ngoài tế trâu trắng đầu năm, đến khoảng tháng 9, đền Đông Cuông có lễ tế treo trâu đen để làm lễ khao những người đã có công với dân làng và ngôi đền Mẫu.
Cây mít 300 tuổi giữ linh hồn trâu hiến tế
Theo cụ Hà Văn Giấy, nơi đây, hàng trăm “linh hồn trâu tế” đã được lưu giữ. Có lẽ vì lẽ đó, sự linh thiêng của cây mít đại thụ này càng tăng thêm bộn phần, già trẻ trai gái không ai dám trèo lên ngọn cây.
Hàng trăm năm trước, đền được đặt ở ven sông, đúng khúc cua của con sông Hồng đi qua xã Đông Cuông, mặt đền hướng ra sông thoáng đãng. Như duyên trời định, cây mít có mặt ở ngay bên phải đền, xanh tốt.
Cây mít cổ thụ rất sai quả, hàng năm, mỗi mùa cây ra tới hàng trăm quả kín từ gốc lên ngọn.
Tục lệ treo cổ trâu đã được Yên Bái hủy bỏ từ 2017, nhưng cây mít - giá treo trâu vẫn tồn tại - như một chứng tích.
Hàng trăm năm trôi qua, cây mít đại thụ có thân to lừng lững phải 5 người ôm, thân mọc thẳng, cao tới bốn chục mét, thoát thân gần chục mét rồi mới xòe tán tròn xoe.
“Hàng năm, cây mít quả sai trĩu từ gốc lên đến ngọn, không ai đếm nhưng cũng phải tới hàng vài trăm quả. Chỗ đặt dây chão thít cổ trâu, khi đám đông kéo trâu lên, hằn lại thành rãnh bóng nhẫy, rồi ra đó lên sẹo.
Mấy năm gần đây, đền được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận di sản văn hóa phi vật thể nên Yên Bái quyết định trùng tu, tôn tạo quần thể đền khang trang, to đẹp.
Trỏ tay lên cây mít cổ thụ thân u cục, hang hốc, cụ Giấy đầy thành kính: Đây là cây thiêng gắn với đền. Người dân rất tôn kính cây. Ngoài cây mít cổ thụ, đền cũng có một cây đa cổ thụ tuổi ngàn năm, nhưng theo thời gian mưa nắng, một nửa thân bị khô mục, BQL di tích phải dựng cột sắt để bảo vệ cho cây quý.
Thái Bình (VNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.