Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mấy ngày nay, trên khắp các trang báo, diễn đàn xã hội, bàn tán xôn xao về những lễ hội có những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, bạo lực, thậm chí mang tính man rợ, độc ác. Như lễ hội đền Gióng với vụ ẩu đả cướp giò tre, sư thầy phát tán lộc tại chùa Hương...
Những hình ảnh phản cảm này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân, các chuyên gia văn hóa. Đặc biệt là lễ hội treo cổ trâu tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, clip ghi lại cảnh treo trâu trắng trên cây cho đến chết ngạt diễn ra năm 2016 đang khiến dư luận xôn xao.
Lễ hội treo trâu tại đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái năm 2016
Giáo sư Trần Lâm Biền: Nên có sự dung hòa giữa lễ hội ngày xưa và ngày nay!
Lễ hội ở Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái là lễ hội thờ Thánh Mẫu, thực chất nguồn gốc là tục của dân tộc thiểu số, thế nhưng lễ hội khi được tổ chức thì không chỉ khoanh vùng cho những người dân tộc thiếu số đó, mà tất cả người dân xung quanh vùng đó cũng đều tham gia, nên được gắn vào lễ hội của Đông Cuông.
Giáo sư Trần Lâm Biền
Phân tích về lễ tế trâu này thì theo quan điểm từ xa xưa, con trâu trắng được hiểu là đồng nhất với thủy quái, nên việc tế lễ trong ngày xuân là để đả Xuân Ngưu, chống lại lũ lụt, cái không may mắn, tốt đẹp cho mùa màng của một năm.
Thực chất, chuyện hiến tế, lễ tế đả Xuân Ngưu là chuyện của ngày xưa. Đôi sừng con trâu trắng là tượng trưng cho nhật nguyệt, (mặt trăng) cho tình yêu và sinh sôi, nảy nở. Tuy nhiên hình thức mang tính chất gây nên sự độc ác, tàn bạo như ở lễ hội tế trâu trắng này thì người xưa không làm, không có, mà nếu có làm lễ tế thì cũng là mang tính tượng trưng là chính.
Chính vì vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên thực hiện nghi lễ mang tính chất tàn bạo này. Tôi nghĩ nên có hình thức nào đó, để dung hòa giữa tục lệ, nhận thức của người xưa và nhận thức của người nay để lễ hội không quá bạo lực, mang hình ảnh phản cảm. Ví dụ có thể dùng mô hình thay vì dùng con trâu thật để tránh mang tính bạo lực, sát sinh.
Hay như lễ hội chém lợn tại Ném Thượng, Bắc Ninh, sau khi báo chí lên tiếng, thấy sự man rợ, sát sinh từ năm ngoái, lễ hội đã được các bô lão thực hiện nghi lễ kín đáo hơn, được quây bằng vải bạt để dân chúng, du khách về lễ không còn chứng kiến cảnh tượng giết lợn dã man nữa.
Ví dụ như ở Hà Nội, tại đền Bạch Mã, cũng có tục đả Xuân Ngưu, người dân ở đây đã lấy roi dâu, quất vào con trâu trắng, nhưng là trâu mô hình.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền
Nhà văn hóa Bùi Trọng Hiền: Chúng ta đang trở về thời trung cổ, cổ súy lễ hội sát sinh, đẫm máu!
Việc phục dựng những hành vi hiến sinh thời trung cổ, người ngày nay đã thấy rõ những hành vi này rất man rợ. Ở đây không chỉ nói đến thắt cổ trâu tại nghi lễ tế trâu tại đền Đông Cuông, Yên Bái. Ở tất cả các hành vi khác trong lễ hội hiện nay, như là cướp bông tre tại lễ hội Đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội, cướp phết tại lễ hội cướp phết, Phú Thọ, chém lợn tại Ném Thượng, Bắc Ninh…đều là những lễ hội mang tính bạo lực và là hành vi cổ tục có từ thời trung cổ.
Trong phong trào hội văn hóa, nghệ thuật dân tộc, dần dần người ta phục hồi tất cả các giá trị hành vi tín ngưỡng tại nghi lễ kèm theo là hội. Chúng ta đang sống ở thời đại văn minh, mà ở đó nêu cao giá trị nhân văn, hòa bình, bác ái thì ở Việt Nam, dường như đang đi ngược lại với thế giới. Chúng ta là những con người văn minh bị ném ngược lại thời kỳ trung cổ với những nghi lễ sát sinh, cổ tục thời trung cổ.
Điều này cho thấy, nhận thức không chỉ từ người dân, người đi lễ mà ngay ở trên, ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang bị sai lệch, nhìn nhận chưa sâu. Vì vậy theo tôi, chúng ta cần gạt bỏ cổ tục, những nghi lễ mang tính sát sinh, bạo lực này trong thời đại văn mình. Thời đại mà chúng ta đang sống và hướng tới sự giá trị đạo đức, nhân văn.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VHTTDL
Ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL: Sẽ không có chuyện treo trâu đến chết nữa
Chia sẻ về lễ hội tế trâu tại đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng, Bộ VHTTDL cho hay, trước kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch, Bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết về lễ hội năm 2016 và phương hướng đề ra cho lễ hội năm 2017. Bộ đã lên tinh thần quán triệt tới từng địa phương, Sở VHTTDL các tỉnh, các lễ hội phải chấp hành nghiêm Khoản 3 Điều 4 Thông tư 15.2015 của Bộ VHTTDL quy định: “Không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; Mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; Mô tả các hành động tội ác khác…
Chính vì vậy, Bộ VHTTDL cũng vừa có cuộc trao đổi với Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái về hình thức nghi lễ tại lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái. Sẽ không có chuyện treo trâu đến chết trong lễ hội.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Bình, sáng nay, ngày 6.2 UBND tỉnh Yên Bái cùng Sở VHTTDL Yên Bái đã có cuộc họp bàn về cách thức tổ chức lễ hội tại đền Đông Cuông năm 2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.