Ngày 22/11, trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức, Hà Nội - cho biết, đơn vị đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để ngày mai (23/11) chính thức đưa Trạm y tế lưu động số 1 tại trường THCS xã Tiền Yên vào hoạt động. Dự kiến có sức thu dung tối đa khoảng 300 bệnh nhân F0 Covid-19.
Trạm y tế lưu động Hà Nội số 1 tại trường THCS xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức chuẩn bị đi vào hoạt động vào sáng ngày 23/11. Ảnh: Gia Khiêm
Theo ghi nhận của PV Dân Việt cùng ngày, tại trường THCS xã Tiền Yên, không khí làm việc khẩn trương của các công nhân nhằm đưa cơ sở thu dung F0 này đi vào hoạt động đúng thời điểm dự kiến. Công trình này được triển khai xây dựng trong suốt 1 tuần vừa qua.
Bên trong Trạm y tế lưu động Hà Nội rất khang trang. Ảnh: Gia Khiêm
Theo đó, các công trình lắp đặt thiết bị, khu vực nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân F0 đang được công nhân gấp rút hoàn thiện các trang thiết bị cuối cùng. Bình nước nóng cũng được trang bị tại phòng tắm của các bệnh nhân…
Cơ sở vật chất tại đây rất khang trang và mới, vì trường THCS Tiền Yên vừa mới được xây dựng, chưa kịp đón học sinh vào học thì dịch Covid-19 bùng phát nên huyện Hoài Đức đã tận dụng nơi này làm điểm thu dung F0.
Cơ sở thu dung F0 này được chia ra nhiều khu như: khu thu dung F0, khu điều hành, khu ăn ở của cán bộ y tế, khu vệ sinh, tắm giặt của các F0. Giữa các khu vực này được ngăn cách bởi các vách tôn nhằm tránh sự tiếp xúc dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Theo bà Thanh, Trạm y tế lưu động này có nhiệm vụ thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại huyện Hoài Đức. Đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng. Về nhân lực, sẽ có 5 người làm công tác chuyên môn.
Cùng ngày, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, tại địa bàn quận đã triển khai thành lập 38 Trạm y tế lưu động. Hiện đã vận hành Trạm y tế lưu động tại chợ Đồng Xuân.
Theo đó, ngày 19/11, ngay sau khi có thông tin về ca F0 liên quan đến chợ Đồng Xuân, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo khẩn trương vận hành Trạm y tế lưu động tại chợ Đồng Xuân theo đúng quy định của Bộ Y tế. Lực lượng y tế đã tiến hành lấy hơn 1.500 mẫu xét nghiệm PCR của các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân để rà soát, sàng lọc phát hiện các ca lây nhiễm liên quan F0.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, đối với Trạm y tế lưu động Đồng Xuân, ngoài nhiệm vụ triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, trạm còn có chức năng kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các ca bệnh diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời.
"Trạm y tế cũng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường. Trạm y tế lưu động tại chợ Đồng Xuân có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ phụ trách trạm.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, trạm được trang thiết bị y tế đầy đủ, có thể phục vụ khám, điều trị cho từ 50 đến 100 ca bệnh F0. Ngoài các nhân viên y tế, UBND phường Đồng Xuân sẽ huy động thêm cán bộ cơ sở là thành viên Hội Chữ thập đỏ, hội viên Phụ nữ, đoàn viên Thanh niên, Tổ dân phố… tham gia hỗ trợ nhân viên y tế", lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm thông tin.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt ngày 22/11, tất cả người vào chợ Đồng Xuân đều phải thực hiện quét mã QR. Bên cạnh đó, Trạm y tế lưu động thường xuyên có người túc trực trong trường hợp cần thiết sẽ hỗ trợ người dân.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương thành lập các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở các quận, huyện của TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoài Đức đã lập Trạm y tế lưu động số 1 tại trường THCS xã Tiền Yên. Đây là một trong 5 cơ sở điều trị F0 nhẹ tại quận, huyện ở Hà Nội.
Cũng thông tin với PV Dân Việt, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm y tế quận Hà Đông cho biết, quận đã chuẩn bị 17 trạm đặt tại 17 phường, mỗi trạm có 5 cán bộ y tế. Ngoài cán bộ y tế quận, phường sẽ huy động thêm các y bác sĩ đã nghỉ hưu, khu vực tư nhân.
Theo ông Phong, quận Hà Đông cũng đã khảo sát nhà văn hoá, trường học, công sở để chọn nơi đặt trạm y tế lưu động, địa điểm dự kiến lựa chọn là Trường mầm non cơ sở 2 Phú Lương và Khu vực nhà văn hoá phường Yên Nghĩa. Mỗi cơ sở này có thể tiếp nhận khoảng 150 F0. Ngoài ra, quận Hà Đông cũng đã thí điểm cách ly F1 tại nhà với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi.
Trước đó, ngày 21/11, Sở Y tế Hà Nội có công văn khẩn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Đối tượng được thu dung, cách ly, quản lý, điều trị gồm:
Người bệnh Covid-19 không có triệu chứng là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ: Có viêm đường hô hấp trên cấp tính gồm người bệnh có triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi...; Không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy...
Không tiếp nhận các trường hợp người bệnh Covid-19 là phụ nữ mang thai và người mắc bệnh lý nền. Theo hướng dẫn, tên cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 gọi là Trạm Y tế lưu động. Về nhân lực làm công tác chuyên môn: Nhân viên y tế cho 1 kip gồm 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ.
Căn cứ số lượng người bệnh theo dõi và quản lý, bố trí số lượng nhân lực và tổ chức làm việc phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả. Có thể bố trí các kíp, tổ làm việc theo ca/kip hoặc hành chính - trực.
Về nhân lực an ninh, hậu cần: Huy động các lực lượng chức năng trên địa bàn để đảm bảo công tác an ninh, hậu cần cho Trạm Y tế lưu động, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, bảo vệ, cung cấp suất an, thu gom rác thải... Chia thành 2 nhóm: Nhóm làm việc khu vực vòng ngoài và nhóm làm việc tại khu vực điều trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.